Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đã qua đời hôm 8/7 tại bệnh viện nơi ông đang được điều trị, ở tuổi 67. Trước đó, ông Abe đã bị trúng 2 phát đạn khi đang phát biểu vận động bầu cử ở Nara, miền Tây Nhật Bản.
Ông Abe là Thủ tướng có thời gian cầm quyền lâu nhất tại Nhật Bản, với 2 giai đoạn 2006-2007 và 2012-2020. Vị cựu Thủ tướng có lẽ được biết đến nhiều nhất với kế hoạch hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản thông qua các biện pháp cải cách quy định và nới lỏng tiền tệ chưa từng có tiền lệ, được gọi là “Abenomics”.
Ông Abe cũng có quan hệ sâu sắc với lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới. Trước thông tin ông qua đời, nhiều lãnh đạo đã bày tỏ thương tiếc và gửi lời chia buồn.
Ấn Độ
Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, một người bạn tốt của cựu Thủ tướng Abe, tuyên bố rằng ngày 9/7 sẽ là ngày quốc tang ở Ấn Độ nhằm bày tỏ "sự tôn trọng sâu sắc" đối với nhà lãnh đạo Nhật Bản quá cố. Ông Modi nhớ lại chuyến đi mới đây nhất của mình đến Nhật Bản và thăm ông Abe, đồng thời chia sẻ rằng ông không ngờ đó sẽ là cuộc gặp cuối cùng của họ.
Ông Abe đã đạt được những bước tiến lớn để cải thiện quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Ấn Độ trong nhiệm kỳ của mình, bao gồm cả việc ký kết một thỏa thuận hạt nhân dân sự lịch sử vào năm 2016.
Đức
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, việc cựu Thủ tướng Abe qua đời do bị ám sát đã khiến ông "choáng váng và vô cùng đau buồn". Ông gửi lời chia buồn tới gia đình ông Abe, “người đồng cấp Fumio Kishida và những người bạn Nhật Bản của chúng tôi”.
“Chúng tôi luôn sát cánh bên Nhật Bản ngay cả trong những giờ phút khó khăn này”, ông Scholz tuyên bố.
Pháp
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng "Nhật Bản đã mất một vị Thủ tướng vĩ đại, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho quê hương và làm việc chăm chỉ để đảm bảo trật tự trên thế giới".
Trung Quốc
Trung Quốc cũng gửi lời chia buồn trước sự ra đi của cựu Thủ tướng Abe. Bắc Kinh và Tokyo từ lâu đã có mối quan hệ căng thẳng vốn đã bị thử thách trong thời gian ông Abe cầm quyền.
"Cựu Thủ tướng Abe đã có những đóng góp nhằm cải thiện quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản trong nhiệm kỳ của mình. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn tới gia đình ông ấy và Nhật Bản", Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố.
Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cũng đã đăng trên Twitter lời chia buồn với nội dung: "Tin kinh hoàng về vụ ám sát tàn bạo cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình ông ấy và người dân Nhật Bản vào thời điểm khó khăn này. Hành động bạo lực kinh khủng này không có lời bào chữa".
Nga
Nga, hiện đang chịu các lệnh trừng phạt từ Nhật Bản vì cuộc xung đột quân sự với Ukraine, cũng đã gửi một thông điệp chia buồn.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông đã gửi lời "chia buồn" tới người đồng cấp Nhật Bản.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Chúng tôi vô cùng đau buồn trước thông tin từ Nhật Bản. "Ông Abe thực sự là một người yêu nước của Nhật Bản".
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gửi thông điệp tới gia đình ông Abe, gọi sự ra đi của ông là "mất mát không thể thay thế". Ông Putin nói rằng cựu Thủ tướng Nhật Bản là một "chính khách xuất chúng", người đã thúc đẩy "mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa 2 bên".
Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gọi ông Abe là "nhà lãnh đạo có tầm nhìn vĩ đại" sau vụ ám sát "gây sốc" và "gây lo ngại sâu sắc", trong khi ông Rahm Emanuel, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, gọi ông Abe là "một nhà lãnh đạo xuất sắc của Nhật Bản và là đồng minh vững chắc của Mỹ".
Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ niềm tiếc thương tới cố Thủ tướng Abe, gọi ông là "nhà vô địch" trong liên minh giữa hai nước - người luôn quan tâm sâu sắc tới người dân và nền dân chủ Nhật Bản.
"Tôi bàng hoàng và rất buồn trước thông tin về người bạn của tôi - cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị bắn và qua đời khi đang tham gia một hoạt động. Đây là bi kịch của cả nước Nhật Bản và những ai quen ông ấy", ông Biden cho biết trong một thông báo.
Hàn Quốc
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol gọi vụ ám sát ông Abe là một "tội ác không thể chấp nhận được".
"Tôi xin gửi lời chia buồn tới tang quyến và người dân Nhật Bản đã mất vị Thủ tướng tại vị lâu nhất và chính trị gia được kính trọng trong lịch sử lập hiến của Nhật Bản", ông Yoon nói.
Australia
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, ông Abe là một trong những “người bạn thân thiết nhất của Australia trên trường thế giới”. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 2007, ông Abe đã khởi xướng một liên minh 4 bên giữa Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và Australia, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác an ninh và kinh tế.
Anh
Thủ tướng Anh sắp mãn nhiệm Boris Johnson đã viết trên Twitter rằng "vai trò lãnh đạo toàn cầu" của ông Abe sẽ được ghi nhớ. “Vương quốc Anh sát cánh cùng các vị trong thời điểm đen tối và buồn bã này”, ông Johnson cho biết.
Italy
Thủ tướng Italy Mario Draghi nói: "Italy bị sốc bởi cuộc tấn công khủng khiếp này. Ông Abe là một nhân vật tuyệt vời của đời sống chính trị Nhật Bản và quốc tế trong những thập kỷ gần đây, nhờ tinh thần đổi mới và tầm nhìn cải cách của ông. Italy gửi lời chia buồn tới gia đình ông, chính phủ và toàn thể nhân dân Nhật Bản".
EU
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi vụ tấn công là "tàn bạo và hèn nhát". Bà viết trên Twitter: "Một người tuyệt vời, nhà dân chủ vĩ đại và nhà vô địch của trật tự thế giới đa phương đã qua đời. Tôi xin gửi lời chia buồn tới gia đình, bạn bè ông ấy và tất cả người dân Nhật Bản".
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã chỉ trích cuộc tấn công "hèn nhát" nhằm vào ông Abe, người mà ông gọi là "một người bạn thực sự" và "một người bảo vệ quyết liệt cho trật tự đa phương và các giá trị dân chủ". Liên minh châu Âu (EU) là một đối tác thương mại và đầu tư lớn của Nhật Bản.
NATO
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã gửi "lời chia buồn sâu sắc nhất" tới gia đình ông Abe và tới Thủ tướng Nhật Bản Kishida trong một bài đăng trên Twitter. Mặc dù Nhật Bản không phải là thành viên NATO, ông Abe đã mở đường cho mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn giữa đất nước ông và liên minh xuyên Đại Tây Dương.
Minh Đức (Theo TIME, DW, Reuters)