Tổ chức nhân đạo Christian Aid của Anh đã đưa ra số liệu thống kê nói trên trong báo cáo công bố ngày 27/12, qua đó một lần nữa cảnh báo thế giới cần có ngay những biện pháp để đối phó với tình trạng Trái Đất ấm lên.
Theo Tổ chức nhân đạo Christian Aid, biến đổi khí hậu đang có những tác động tàn phá đến cuộc sống và kế sinh nhai của nhiều người trên trái đất.
Các chuyên gia cho rằng, một thế giới nóng lên sẽ dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan hơn, ảnh hưởng đến mùa màng và khiến tình trạng thiếu nước trở nên ngày càng tồi tệ, gây tổn thất lớn về tài chính cũng như làm trầm trọng hơn cuôc sống của nhiều người.
Theo Thỏa thuận khí hậu Paris đạt được năm 2015, gần 200 quốc gia đã đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và mức lý tưởng là dưới 1,5 độ C.
Trong bối cảnh nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu đang bị chững lại, Liên hợp Quốc mới đây đã chỉ ra rằng 20 năm ấm nhất trong lịch sử nhân loại đã xuất hiện trong 22 năm qua và năm 2018 xếp thứ 4 trong danh sách này.
Để chứng minh cho nhận định nêu trên, các tác giả báo cáo liệt kê các thảm họa thiên tai trong năm 2018 gây thiệt hại nặng nề nhất về kinh tế, gồm hai siêu bão Florence và Michael hoành hành tại Mỹ, vùng biển Caribe và Trung Mỹ (32 tỷ USD), cháy rừng ở Mỹ (9 tỷ USD), bão Jebi gây ngập lụt nghiêm trọng tại Nhật Bản (9,3 tỷ USD) cùng với nạn hạn hán ở châu Âu, lũ lụt tại miền Nam Ấn Độ, bão Mangkhut ở Philippines và Trung Quốc.
Qua đó, các chuyên gia cho rằng cần có ngay hành động ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với những người nghèo thế giới - nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất của tình trạng Trái Đất ấm lên.
Vì thế, một hành động khẩn cấp toàn cầu là cần thiết để ngăn chặn xu hướng tăng của nhiệt độ trái đất.
Minh Anh (tổng hợp)