“Thứ bảy, hàng nghìn người đổ về chợ Sapa. Người Séc đến đây tìm những quầy bán đồ rẻ nhất, hoặc am hiểu hơn thì đến các hàng châu Á để mua tôm,“ phóng viên báo Respekt miêu tả một Sapa của người Việt như vậy khi cùng một cô sinh viên đến chợ để tìm hiểu về làng báo Việt Nam.
Tuần Tin Mới, một tờ báo của sinh viên người Việt tại CH Séc. Ảnh: Halo
Tại những quầy báo chen chúc giữa hàng cắt tóc hay quán bún ốc, hàng tuần có 5 tờ báo tiếng Việt được phát hành Gần 60 nghìn người Việt sống tại Séc có thế giới báo chí riêng mà hầu như người Séc không biết.
Báo Xa xứ dịch qua Google
“Tôi sống ở đây lâu rồi, nhưng không biết tiếng Séc tốt nên tuần nào cũng mua tờ Xa xứ,“ ông Tuong, một bảo vệ ở Sapa nói. Ông thích Xa xứ vì báo này ít quảng cáo, tại đây ông có thể đọc tin thế giới, Việt Nam, những lời khuyên về gia đình hay tử vi âm lịch.
"Chúng tôi đã có Google", báo Respekt dẫn lời chủ bút của Xa xứ, một trong 5 tờ báo giấy phát hành hàng tuần. Tờ Xa xứ có khoảng 10 trang tin Séc cũng như bài về những gì người Séc nghĩ về người Việt Nam. Trụ sở của báo này nằm trong một phòng nhỏ, nơi chủ bút Nguyen Dinh Thinh, 59 tuổi, rót chè mời khách và nói bằng tiếng Séc nhưng không thạo lắm: “Chúng tôi viết về luật pháp và chính trị Séc, nhưng cũng không bỏ qua cả người nổi tiếng và hình sự.“
Ảnh phóng viên tờ Respekt chụp trong một quầy báo ở Sapa (ảnh: Respekt).
Còn ở báo Tuần Tin Mới, ban biên tập chủ yếu gồm những người trẻ tuổi đang học ở các trường đại học tại Praha. “Công việc này tốt hơn nhiều so với làm bồi bàn ở quán ăn nhanh. Tôi làm được khoảng 7000 korun mỗi tháng, nhưng không tự coi mình là một nhà báo,“ một sinh viên 23 tuổi muốn được giấu tên cho biết.
10 000 tờ mỗi tuần
Ngoài 2 tờ báo trên, người Việt còn đọc các báo Thế giới trẻ, Vạn Xuân hay Doanh nghiệp. Mỗi tháng cũng có một tờ báo tiếng Séc được phát hành, chủ yếu để mang lại thông tin về văn hóa Việt Nam cho người Séc hoặc trẻ em được sinh ra và lớn lên tại đây.
10 nghìn tờ báo được in ra mỗi tuần, phục vụ lượng bạn đọc khoảng 30 nghìn người, tức một nửa số người Việt sinh sống tại Séc. Thêm vào đó, 3 trang thông tin điện tử cũng đều do người Việt tại Séc điều hành. Ngoài ra, một số tạp chí còn được vận chuyển từ Việt Nam sang và có độ chục người Việt tại Séc cũng viết blog.
Nguyễn Hằng (theo Vietinfo- Respekt - ČTK)