Hàng nghìn người đã tập trung bên ngoài Cung điện Buckingham hôm 8/9 để bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi mãi mãi của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Vị quân chủ trị vì lâu nhất lịch sử Vương quốc Anh được xác nhận tạ thế lúc 18h30 ngày 8/9 (0h30 ngày 9/9 giờ Việt Nam) tại Lâu đài Balmoral, Scotland, ở tuổi 96, không lâu sau khi Hoàng gia Anh thông báo rằng các bác sĩ lo ngại về sức khỏe của bà.
Cờ được treo rủ, trong khi mọi người đứng dưới ô che mưa và nhiều người đặt hoa để tỏ lòng thành kính. Một số người chọn uống rượu Gin – loại rượu yêu thích của Nữ hoàng.
Điều tình cờ trùng hợp là ngay sau khi tin tức về sự ra đi của Nữ hoàng được thông báo, một cặp cầu vồng đã xuất hiện phía trên Cung điện Buckingham.
Cặp cầu vồng có thể được nhìn thấy trên các địa danh chính trên khắp thủ đô bao gồm Tháp Elizabeth ở Westminster và Đài tưởng niệm Nữ hoàng Victoria.
Một số người cho rằng đó là dấu hiệu của Nữ hoàng Elizabeth với Hoàng thân Phillip.
“Nữ hoàng có ý nghĩa rất lớn đối với rất nhiều người không chỉ ở Anh mà trên toàn cầu”, một người dân London tên Peter Barnes nói. “Thế giới đã mất đi một pháo đài của sự ổn định và một vị quân vương đặt đất nước và nghĩa vụ lên trên hết”.
Nữ hoàng Elizabeth II sẽ được an táng tại Nhà nguyện Tưởng niệm Vua George VI của Lâu đài Windsor.
Sau đó, di hài của Hoàng thân Philip, phu quân của bà, qua đời tháng 4/2021 ở tuổi 99, hiện đang được đặt ở Royal Vault tại Nhà nguyện Thánh George, sẽ được chuyển đến hợp táng bên cạnh Nữ hoàng.
Lễ an táng Nữ hoàng Elizabeth II dự kiến sẽ diễn ra sau lễ tang cấp nhà nước tại Tu viện Westminster.
Nhà nguyện Tưởng niệm Vua George VI là một phần của Nhà nguyện Thánh George, nơi đã diễn ra nhiều lễ an táng hoàng gia.
Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II tạ thế, Thái tử Charles, 73 tuổi, trở thành vị quân chủ tiếp theo của Vương quốc Anh và là nguyên thủ quốc gia của 14 nước khác thuộc Khối thịnh vượng chung, bao gồm Australia, Canada và New Zealand.
Tân Quốc vương - Charles Philip Arthur George sinh ra tại Cung điện Buckingham - sẽ có bài phát biểu đầu tiên trước toàn quốc trong ngày 9/9, một phát ngôn viên của ông cho biết.
Ông là người thừa kế lâu nhất trong lịch sử nước Anh. Mặc dù ông trở thành Vua Charles III ngay sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, một số nghi lễ chính thức đánh dấu sự kế vị không được lên kế hoạch ngay lập tức và có thể mất vài tháng.
Vương quốc Anh và các nước thuộc Khối thịnh vượng chung sẽ để tang Nữ hoàng Elizabeth II 10 ngày.
Thế giới tưởng niệm Nữ hoàng Elizabeth II
Các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Nữ hoàng Elizabeth II.
“Nữ hoàng Elizabeth được ngưỡng mộ rộng rãi vì sự vị tha, tôn quý và những cống hiến của bà trên khắp thế giới. Bà là sự hiện diện cho sự an tâm trong suốt nhiều thập kỷ thay đổi sâu rộng”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói.
Tại Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an đã dành một phút im lặng tưởng niệm Nữ hoàng Anh.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết Nữ hoàng Elizabeth, nguyên thủ quốc gia Canada, sẽ “mãi mãi là một phần quan trọng” của lịch sử đất nước.
Thủ tướng Anthony Albanese của Australia - một thành viên chủ chốt khác của Khối thịnh vượng chung - bày tỏ lòng kính trọng đối với Nữ hoàng, cho rằng sự ra đi của bà đánh dấu “sự kết thúc của một kỷ nguyên”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi Nữ hoàng Elizabeth là quốc vương Anh đầu tiên có mối liên hệ cá nhân với mọi người trên thế giới, khi ông ra lệnh treo cờ rủ tại Nhà Trắng và các tòa nhà chính phủ để vinh danh bà. Ông nói: “Nữ hoàng Elizabeth II là một nữ chính khách có phẩm giá và sự kiên định vô song, người đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ đồng minh nền tảng giữa Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Bà đã giúp làm cho mối quan hệ của 2 bên trở nên đặc biệt”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lời chia buồn tới Quốc vương Charles III, chúc tân Quốc vương “can đảm và kiên cường” vượt qua đau buồn - ngay cả khi Anh là nước đang dẫn đầu phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow vì xung đột ở Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bày tỏ “nỗi buồn sâu sắc” trước sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II trong một dòng tweet trên Twitter. Ông viết: “Thay mặt cho nhân dân Ukraine, chúng tôi gửi lời chia buồn chân thành tới Hoàng gia Anh, toàn thể Vương quốc Anh và Khối thịnh vượng chung về sự mất mát không thể bù đắp được này”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ca ngợi Nữ hoàng là “một người bạn của nước Pháp” và “Nữ hoàng Elizabeth II là hiện thân của sự liên tục và thống nhất của Anh trong hơn 70 năm”.
Hệ thống chiếu sáng Tháp Eiffel ở Paris đã được tắt sớm vào tối 8/9 để tưởng niệm Nữ hoàng Elizabeth II.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel bày tỏ sự tiếc thương trước cái chết của Nữ hoàng, ca ngợi bà là hiện thân của sự vững vàng và đã cho thấy “tầm quan trọng của những giá trị lâu dài trong một thế giới hiện đại với sự phục vụ tận tụy của mình”.
Ngoài ra, các quốc gia châu Âu khác và các nước từ châu Á đến châu Mỹ và châu Phi cũng đều gửi lời chia buồn sâu sắc và chân thành về sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II, ca ngợi bà là nhân vật phi thường và nổi tiếng thế giới, người đã sống một cuộc đời đáng chú ý với di sản đáng được ghi nhớ.
Quốc vương Philippe của Bỉ, Vua Willem-Alexander của Hà Lan, Vua Carl XVI Gustaf của Thụy Điển và Vua Tây Ban Nha Felipe VI cũng bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II và gửi lời chia buồn tới Hoàng gia, chính phủ và toàn thể người dân Vương quốc Anh.
Minh Đức (Theo BuzzFeedNews, Mirror, Page Six, TRT World)