Nếu vẫn cảm thấy lo lắng, cư dân Trái đất có thể theo dõi “sự kiện” này trực tiếp trên internet, qua trang web Slooh Space Camera, chuyên cung cấp các hình ảnh vũ trụ chụp bằng kính thiên văn vũ trụ robot Slooh. Hôm nay, trang web này sẽ truyền hình trực tiếp hình ảnh do các đài quan sát thiên văn tại Arizona và Quần đảo Canary ghi nhận từ vũ trụ.
New Zealand là một trong số những nước đầu tiên bước sang ngày 21/12, nhưng cho đến thời điểm này, vẫn chưa có gì bất thường xảy ra.
Điều này cũng tương tự tại các nước châu Âu như Anh, Pháp, Nga… hay tại Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản.
Phóng viên Jeffrey Kofman của ABC News nói. "Đừng sợ, Bắc Mỹ. Không cần phải chạy vào các boongke ngày tận thế của các bạn đâu. Ở bên này của Đại Tây Dương, thế giới vẫn chuyển động".
Người dân vẫn đi làm và sinh hoạt như mọi ngày, tất cả đều cảm thấy an toàn trong ngày tận thế. Những người dân Nhật Bản dường như không hề lo lắng về “tận thế”, họ vẫn chơi đùa vui vẻ. Còn ở Úc hay Nga, mọi người bắt đầu “Ngày tận thế” bằng những bữa tiệc mừng. Tại Mexico và Cuba, người dân vui vẻ tham gia lễ hội ăn mừng của người Maya.
Tại miền nam Anh, vào “Ngày tận thế” đã xảy ra mưa lớn gây lũ lụt, tuy nhiên, người dân đã được sơ tán kịp thời và nhà chức trách đã công bố cảnh báo lũ lụt nghiêm trọng.
Trong khi đó ở Trung Quốc, các cửa hàng buôn bán các nhu yếu phẩm cần thiết đã “cháy hàng” do một bộ phận người dân lo ngại ngày tận thế đến thật.
Mạng xã hội có lẽ là nơi cập nhật tình hình “Ngày tận thế” liên tục nhất. Một cư dân mạng viết: “Hôm nay 21/12 mình dậy thật sớm, hít thở không khí trong lành và ngắm nhìn bầu trời... Bầu trời rất trong và đẹp, sự sống vẫn mãi tồn tại”.
Thiên Yết (t/h)