"Cuộc cách mạng" của dân "phượt"
Những người thích đi "phượt" vốn không phân biệt tuổi tác, song đa phần đều là những người trẻ tuổi, thích khám phá cái mới và muốn trải nghiệm mình. Họ có thể đi bất kì đâu, bằng bất cứ phương tiện nào, miễn sao được thỏa cái thú "xê dịch" của mình. Thời gian gần đây, số lượng người đi "phượt" tăng lên nhanh chóng và thú chơi này không còn là độc quyền của một số người nữa. Những điểm đến lý tưởng trong nước như: Tây Bắc, đỉnh Phan Xi Păng, những nơi địa đầu Tổ quốc... không còn xa lạ gì với dân "phượt". Bởi thế, họ bắt đầu thử nghiệm những chuyến "phượt" ra nước ngoài để tìm cảm giác mới lạ, cũng như để mở rộng tầm mắt.
Hiện nay, xu hướng "đi bụi" này đang rất được ưa chuộng trong giới trẻ. Nhưng thú chơi này khá tốn kém, cho nên nó cũng "kén" khách với những tiêu chí riêng biệt. Đa phần những người theo xu hướng "đi phượt quốc tế" đều là những người có điều kiện kinh tế. Họ có thể là thương nhân thành đạt, người đi làm, sinh viên..., nhưng nhất thiết phải có tiền, có lòng dũng cảm và đam mê trải nghiệm cái mới.
Những người này có thể đi theo nhóm hay đi một mình như một khách lữ hành cô độc. Hành trang chỉ là một chiếc ba lô nhỏ, họ có thể đi bất kì đâu trên mảnh đất này. Địa điểm mà dân "phượt quốc tế" ưa thích vẫn là những cánh rừng hoang vu ở Nam Mỹ, cao nguyên huyền bí ở Tây Tạng (Trung Quốc) hay khu vực Trung Đông...
Chị Nguyễn Thanh Hải, cựu sinh viên khoa Xã hội học (trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội) được dân thích "đi bụi" biết đến như một tay "phượt" đẳng cấp. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ (sinh năm 1986) nhưng cuộc đời chị là những chuyến đi dài ngày cùng nhóm bạn. Đôi bàn chân nhỏ bé của chị đã đi khắp cao nguyên Tây Tạng, khám phá những điều kì bí của những ngôi đền thiêng, cũng như dòng sông Hằng huyền thoại của Ấn Độ, hay như những ngày lang thang trên đất nước Myanmar xinh đẹp... Niềm đam mê nhiếp ảnh cùng khát vọng được thể hiện mình đã thôi thúc chị lên đường.
Chị Nguyễn Phương Linh, cựu sinh viên trường đại học Ngoại Thương cho biết: "Với những người như mình, "phượt" không chỉ là một sở thích mà còn là một nhu cầu cấp bách. Cũng giống như con người cần ăn, uống, ngủ nghỉ, mình cần phải lên đường đến những vùng đất mới. Sự thôi thúc nhiều khi không thể lí giải nổi". Chị chia sẻ thêm, số lượng dân "phượt quốc tế" hiện nay đã tăng lên khá nhiều. Họ chia làm nhiều xu hướng với những niềm đam mê, sở thích và khả năng tài chính khác nhau.
Mỗi người hoặc một nhóm người sẽ chọn một địa điểm đến riêng. Người thì thích đến châu Âu, người thích đến Ai Cập, người thích du lịch vòng quanh châu Á... Nhưng đa phần, nơi đến phải ít người biết và càng không "đụng hàng" càng tốt. Một "phượt gia" thực thụ muốn đi để trải nghiệm, nhưng có nhiều người đi "phượt" để khoe chiến tích. Vì thế, nơi đến "càng độc", độ "chịu chơi" càng tăng lên.
"Phượt" ra nước ngoài đang là trào lưu thời thượng của giới trẻ. (Nguồn Internet).
Thế nhưng, không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để thực hiện những chuyến đi dài ngày và tốn kém như vậy. Trong khi đó, nhu cầu khám phá lại không thuộc về riêng ai. Người có điều kiện kinh tế eo hẹp hơn, có những cách chơi riêng của mình. Họ thường lựa chọn điểm đến là khu vực Đông Nam Á, nhất là những nước có biên giới giáp Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia để thực hiện ước mơ "phượt" của mình. Kinh phí những chuyến đi như vậy khá rẻ nên được nhiều người hưởng ứng.
Một dân "phượt" cho biết: "Những chuyến đi như vậy thường kéo dài một tuần hoặc hơn. Đa phần chúng tôi di chuyển bằng ô tô, nhưng có người đi bằng xe máy. Nếu địa điểm xa quá thì khi đến đó, mỗi người tự thuê xe máy đi riêng với nhau, vừa thể hiện độ "chịu chơi", vừa được trực tiếp thể nghiệm".
Đi "phượt" cũng lắm công phu
"Phượt" đang dần tạo thành một cơn sốt thật sự trong đời sống giới trẻ và thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Thế nhưng, ít người biết rằng, đằng sau vẻ hấp dẫn của những chuyến đi, đằng sau những lời có cánh cho mỗi cuộc chơi là những khó khăn, thách thức mà không phải ai cũng vượt qua được.
Một "phượt gia" tên Hưng (quê ở quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) cho biết: "Muốn trở thành một dân "phượt", điều quan trọng nhất là phải chiến thắng chính mình. Đối với những chuyến “đi bụi” ra nước ngoài, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Nếu không đủ sự kiên trì, niềm đam mê và tinh thần dám vượt qua tất cả để theo đuổi ước mơ, tôi sẽ không thể thực hiện được chuyến đi".
Khó khăn lớn nhất khi ra nước ngoài là ngôn ngữ. Khách đi theo tua thường được ban tổ chức chuẩn bị cho tất cả. Thế nhưng, dân đi "phượt quốc tế" phải trang bị cho mình tất cả, từ các kỹ năng giao tiếp cho đến những kiến thức văn hóa phù hợp với người bản xứ. Theo Hưng, cách học ngắn gọn và hiệu quả nhất là học "ngoại ngữ bồi". Kiểu học này giống như "học vẹt", chủ yếu dùng để diễn đạt ý chứ không quan trọng ngữ pháp hay câu từ. Đối với những người thích đi nhiều nơi, việc trang bị ngoại ngữ là hết sức cần thiết.
Một điểm khác biệt nữa là thực phẩm và thói quen ăn uống. Mỗi một nền văn hóa có xu hướng ẩm thực riêng. Việc thích ứng nhanh chóng với gu ăn uống ở nước bạn, không phải ai cũng có khả năng. Do đó, để hạn chế việc phải nhịn đói khi ra nước ngoài, dân "phượt" phải chuẩn bị đồ ăn sao cho đủ dinh dưỡng mà không phải mang, vác lỉnh kỉnh. Ngoài ra, nguy cơ đối mặt với những nhóm tội phạm, hay những nguy hiểm dọc đường là nỗi lo thường trực của mỗi dân "phượt". Không đâu xa, ngay ở Việt Nam, khá nhiều bạn trẻ đã gặp hiểm nguy trên đường đi "phượt", thậm chí có "phượt gia" đã mất mạng do sự cố giữa đường như lũ cuốn, ngã xe...
Khi di chuyển ở một đất nước xa lạ cả về con người và ngôn ngữ, điều đáng sợ nhưng dễ gặp phải của dân "đi bụi" là bị lạc đoàn. Dù phương tiện giao thông, liên lạc rất phát triển, nhưng không phải lúc nào công nghệ cũng phát huy tác dụng, nhất là ở những nơi hoang vu, hẻo lánh.
Vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm với những người thường xuyên đi "phượt" là kinh phí. Đối với những người có điều kiện kinh tế thì việc này không đáng ngại, nhưng đại bộ phận thành viên "phượt quốc tế" và "phượt khu vực" đều đặt mục tiêu này lên hàng đầu.
Anh Nguyễn Minh Tuấn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bật mí kinh nghiệm khi "đi bụi" ra nước ngoài: "Muốn có một chuyến đi thành công, người đi phải có khả năng "săn" những dịch vụ giá rẻ như: Vé máy bay, nhà trọ, dịch vụ vận chuyển và đi lại... Để thực hiện điều này, người đi phải có kinh nghiệm hoặc có bạn bè nước mình đến tư vấn, tìm hiểu trước khi cuộc đi bắt đầu. Nếu không làm vậy, với mật độ "phượt" liên tục, nhiều tay "phượt" sẽ khó mà chịu nổi".
Công phu là thế, khó khăn là vậy, nhưng trào lưu này vẫn có sức hút ghê gớm với những người thích khám phá. Để rồi, ai đã "mắc" vào là khó có thể dứt ra được. Ngoài thú chơi thể hiện "đẳng cấp" của một số người, "phượt" là môi trường gắn kết những thành viên với nhau để cùng chia sẻ, cùng làm từ thiện cho những nơi họ đặt chân đến. Có thể chỉ là một nghĩa cử, một hành động nhỏ như tặng sách vở, hỏi han sức khỏe hay thậm chí là một câu chào đầy thiện cảm... Tất cả đều làm giàu hơn cảm xúc của mỗi người sau chuyến đi.
Phạm Thiệu