Một trong những rào cản của chính quyền Tổng thống Joe Biden khi muốn mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine là sự tăng giá các mặt hàng, tác động đến túi tiền của người tiêu dùng tại chính nước Mỹ.
Thế khó của Tổng thống Biden
Các tài xế Mỹ đang phải đối mặt với giá xăng trung bình toàn quốc lần đầu tiên vượt quá 5 USD/gallon. Giá dầu và khí đốt tự nhiên gia tăng đã thúc đẩy lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới lên mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ. Giá thực phẩm, điện và nhà ở cũng tăng cao.
Tình hình giá cả có thể trở nên trầm trọng hơn khi giới chức siết chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, vốn là một trong những quốc gia cung cấp dầu khí hàng đầu thế giới. Bà Ellen Wald, chuyên gia năng lượng và là thành viên Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết các lệnh trừng phạt có thể khiến giá nhiên liệu tăng cao hơn nữa đối với người tiêu dùng tại Mỹ.
Mỹ và châu Âu đã áp đặt một loạt các biện pháp nhắm vào dầu của Nga bao gồm việc kiểm soát xuất khẩu, Mỹ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, sau đó là Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố lệnh cấm một phần đối với nhập khẩu năng lượng từ nước này.
Tuy nhiên, việc đẩy mạnh các hành động trong cuộc chiến kinh tế với Nga mà không khiến giá cả gia tăng là điều không dễ thực hiện. Chẳng hạn, Nga có thể trả đũa bằng cách giảm nguồn cung dầu ra thị trường. Điều đó ngay lập tức tác động khiến giá tăng cao, bởi các nhà sản xuất dầu trên thế giới hiện có rất ít công suất dự phòng sau nhiều năm thiếu đầu tư vào các mỏ và nhà máy lọc dầu.
Chuyên gia năng lượng Wald nhận định: “Mỗi khi diễn ra một cuộc thảo luận về các biện pháp trừng phạt, giá cả lại tăng lên”. Như hồi cuối tháng 5, dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu đã tăng lên gần 124 USD / thùng, mức cao nhất trong vòng 2 tháng sau khi EU ủng hộ lệnh cấm đối với dầu Nga được vận chuyển bằng đường biển.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các biện pháp trừng phạt của phương Tây dự kiến sẽ dần dần làm giảm xuất khẩu dầu thô của Nga trong năm tới. Nhưng cho đến nay, Nga có thể tìm khách hàng thay thế từ các thị trường khác bằng cách hạ giá bán dầu. Chẳng hạn, trong tháng 5, lượng dầu thô của Ấn Độ mua từ Nga đã tăng gần gấp ba lần so với tháng trước, trong khi Trung Quốc cũng gia tăng nhập khẩu dầu Nga.
Cũng trong tháng 5, IEA cho biết doanh thu của Nga từ dầu mỏ đã tăng lên khi giá toàn cầu cao hơn và xuất khẩu dầu thô ổn định vượt qua mức chiết khấu. Động thái Ấn Độ gia tăng nhập khẩu dầu của Nga đã lọt vào tầm ngắm của Washington. Hồi tháng 3, quan chức Mỹ cảnh bảo việc Ấn Độ tăng đáng kể mức nhập khẩu dầu từ Nga có thể khiến New Delhi gặp "rủi ro lớn" khi Mỹ chuẩn bị đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt đối với Moscow liên quan đến xung đột Ukraine.
Giá nhiên liệu cao thúc đẩy lạm phát là trở ngại cho Tổng thống Biden và các thành viên đảng Dân chủ của ông khi bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 sắp tới. Theo cuộc thăm dò của công ty Rasmussen vào tháng trước, 83% cử tri Mỹ cho rằng lạm phát sẽ là một vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử.
Cân nhắc cách trừng phạt mới
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc hình thức trừng phạt thứ cấp (secondary sanction) để gia tăng áp lực. Theo đó, thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo mới đây cho biết các quan chức nước này đang đàm phán với các đồng minh châu Âu và châu Á về khả năng áp đặt giới hạn giá đối với việc mua dầu của Nga.
Theo ghi nhận của hãng tin Reuters, một số quan chức cho rằng giới hạn giá là một trong số các phương pháp có thể gia tăng sức ép kinh tế nhằm vào Nga mà không làm giá dầu toàn cầu tăng vọt hơn nữa. Bởi biện pháp này chỉ làm giảm doanh thu chứ không phải lượng dầu đưa ra thị trường.
Ngoài giới hạn giá, Mỹ cũng có thể xem xét các biện pháp trừng phạt nhằm vào các thực thể cung cấp bảo hiểm hoặc dịch vụ cho hàng hóa của Nga khi giao dịch vượt quá mức giá ấn định cho mỗi thùng dầu. Tuy nhiên việc thực hiện các biện pháp như vậy sẽ tốn nhiều thời gian và nguồn lực.
Ông Pavel Mulchanov, giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư Raymond James (thành phố Houston, bang Texas, Mỹ), chia sẻ: “Tôi không cho rằng điều đó là thực tế. Dầu là một thị trường cực kỳ thanh khoản và cạnh tranh, không có cách thực tiễn nào để áp đặt bất kỳ loại giới hạn giá lên hoặc xuống".
Ông Richard Nephew, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng bày tỏ quan ngại về khả năng thực hiện của cả 2 biện pháp đặc biệt là cách giới hạn giá. Ông Nephew chia sẻ: "Giới hạn giá rất có nguy cơ bị thao túng".
Phạm Hà Thanh (theo Reuters, BBC)