Không ngừng mở rộng
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD được thành lập ngày 28/07/1994. TTD là công ty đầu tiên đã đưa ra thị trường quốc tế sản phẩm đá Ruby sao Việt Nam với thương hiệu Việt Nam Star Ruby - VSR.
Năm 2007, để kiện toàn bộ máy, Công ty TTD chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý & Đầu tư Thương mại DOJI. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tại DOJI thời điểm đó là ông Đỗ Minh Phú.
Năm 2017, để đáp ứng quy định mới tại Luật Các Tổ chức tín dụng, ông Phú đã từ nhiệm mọi chức vụ tại DOJI để giữ vị trí Chủ tịch Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).
Hiện nay, con trai ông là ông Đỗ Minh Đức đang giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực và bà Đỗ Vũ Phương Anh, con gái ông cũng đang đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc tại Tập đoàn này. Trên website DOJI, ông Phú là Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn.
Sau khi đổi tên, DOJI bắt đầu có những bước tiến mạnh mẽ vào thị trường vàng bạc, không ngừng mở rộng quy mô thông qua các thương vụ M&A.
Cụ thể, tháng 6/2006, SJC Đà Nẵng, chuyển đổi thành Công ty Cổ phần, trở thành đơn vị thành viên trong hệ thống của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) và Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI. Tháng 4/2008, DOJI trở thành cổ đông lớn với phần vốn chi phối tại CTCP Vàng bạc đá quý SJC Hà Nội.
Năm 2009, DOJI tiến hành tái cấu trúc và chính thức trở thành Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Tính đến nay, Tập đoàn đã có 14 công ty thành viên, 4 công ty liên kết góp vốn, 50 chi nhánh, gần 200 trung tâm và hơn 400 đại lý trên toàn quốc.
Từ năm 2009 - 2019, lĩnh vực kinh doanh xoay quanh vàng bạc đá quý của DOJI trải dài từ khai thác mỏ, chế tác cắt mài đá quý, sản xuất hàng trang sức đến kinh doanh vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng, xây dựng hệ thống chuỗi các trung tâm vàng bạc trang sức trên khắp cả nước.
Năm 2020, một thương vụ M&A gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ là Tập đoàn chính thức tiếp quản Công ty Thế Giới Kim Cương được giới thiệu là top 3 doanh nghiệp bán lẻ trang sức lớn nhất Việt Nam thời điểm đó.
Trong lĩnh vực trang sức, doanh thu của Công ty Thế giới Kim cương ước tính hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Trước khi trở thành thành viên mới của DOJI, Thế Giới Kim Cương có 34 chi nhánh tại 34 tỉnh, thành phố với trên 100 trung tâm, cửa hàng tại hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị tại Việt Nam và gần 1.000 cán bộ nhân viên.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc năm 2023, DOJI ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 491,3 tỷ đồng. Tính bình quân mỗi ngày, DOJI thu về khoản lãi hơn 1,3 tỷ đồng.
Dù vậy, khoản lãi này đã giảm hơn một nửa so với mức lãi khủng hơn 1.016 tỷ đồng của tập đoàn này trong năm 2022. Tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của DOJI theo đó cũng giảm xuống còn 7,5%.
Tại thời điểm cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của DOJI đạt 6.745 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2022. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của công ty đã tăng từ 1,95 lần năm trước lên 2,35 lần, tương đương gần 15.900 tỷ đồng tổng dư nợ. Đáng chú ý, hết năm 2023, Tập đoàn đã sạch dư nợ trái phiếu.
Theo thông tin công bố trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, từ năm 2019 đến 2022, lợi nhuận sau thuế của DOJI liên tục tịnh tiến, từ 151 tỷ đồng năm 2019 đến hơn 1.017 tỷ đồng trong năm 2022. Chỉ trong vòng 4 năm , quy mô lợi nhuận tăng gần gấp 7 lần.
Đồng thời, vốn chủ sở hữu của công ty cũng nhanh chóng lớn lên, từ 3.347 tỷ đồng năm 2019 lên 6.745 tỷ đồng trong năm 2023.
Hệ sinh thái đa ngành DOJI
Từ năm 2009 đến nay, DOJI không ngừng mở rộng hệ sinh thái, từ vàng bạc đá quý, đến đầu tư Bất động sản, du lịch, nhà hàng rồi lấn sân sang lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Trong lĩnh vực bất động sản, năm 2014, DOJI thành lập Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DOJILAND. Chủ tịch HĐQT DOJILAND là bà Đỗ Vũ Phương Anh.
Một số dự án bất động sản nổi bật của DOJILAND có thể kể đến như: dự án The Sapphire Mansions với quy mô 47 căn dinh thự biển gồm biệt thự đơn lập, song lập, tổng diện tích 20.770m2; tổ hợp căn hộ cao cấp và condotel The Sapphire Residence và Best Western Premium Sapphire Ha Long có diện tích xây dựng 2.267 m2; khách sạn 5 sao Diamond Halong Hotel, Khu Đô thị mới Nam Vĩnh Yên…
Ngoài ra, Tập đoàn DOJI còn sở hữu nhiều toà nhà có vị trí đắc địa ở trung tâm như tòa nhà Ruby Tower (đường Hàm Nghi, quận 1, Tp.HCM), tòa nhà Ruby Plaza (quận Hai Bà Trưng)...
Một trong những dự án trọng điểm của DOJILAND là tòa nhà DOJI Tower, được biết đến là "viên kim cương" giữa lòng Thủ đô. Toà nhà tọa lạc tại số 5 Lê Duẩn, Hà Nội, cao 16 tầng và 3 tầng hầm với tổng diện tích sử dụng 18.883m2, hiện đang được DOJI sử dụng làm trụ sở chính.
Ngoài DOJILAND, DOJI cũng có những thành viên khác hoạt động trong lĩnh vực bất động sản như Công ty TNHH Bất động sản Blue Star, CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Địa ốc Châu lục, CTCP Khu du lịch Sinh thái Tam Đảo…
Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, trên website của mình, DOJI cũng thông tin về việc tái cơ cấu thành công TPBank vào năm 2012. Thời điểm đó, TPBank là một trong 9 ngân hàng yếu kém bị bắt buộc tái cơ cấu.
DOJI đã đầu tư vào TPBank, nắm giữ 20% vốn, trở thành cổ đông lớn nhất lúc bấy giờ tại ngân hàng.
Đến nay, theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024 của TPBank, hiện DOJI đang có gần 130,6 triệu cổ phiếu TPB, tương đương 5,93% vốn ngân hàng.
Từ sau sự xuất hiện của DOJI, tại TPBank diễn ra nhiều bước chuyển lớn. Ngân hàng thành công tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.550 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2012, ngân hàng báo lãi sau thuế 116 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ gần 1.400 tỷ đồng. Trong vòng 10 năm từ 2012 đến 2022, mức lợi nhuận của ngân hàng đã mở rộng gấp gần 70 lần.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, TPBank báo cáo kết quả kinh doanh với thu nhập lãi thuần của đã tăng 14% lên 6.664 tỷ đồng. Ngân hàng báo lãi ròng trước thuế gần 3.733 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 2.986 tỷ đồng, tăng 20% so với 6 tháng đầu năm 2023.