Theo National Interest, thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ-Nga gần đây tại Sochi cùng với việc vai trò của Moscow với tư cách là một nhà môi giới quyền lực được nâng cao, đã khiến sự hiện diện của người Mỹ ở phía đông bắc Syria suy giảm.
Với thỏa thuận này, lần đầu tiên kể từ năm 2015, sự hiện diện của quân đội Nga và quân đội Damascus trải dài khắp phía Đông của sông Euphrates. Dù cho thỏa thuận ở Sochi là một chiến thắng của ông Putin, nhưng thỏa thuận này cũng có thể gây bất lợi cho các kế hoạch vĩ đại của ông.
Theo yêu cầu chính thức của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, quân đội Moscow bắt đầu tham gia vào cuộc nội chiến ở Syria hồi tháng 9 năm 2015. Mục tiêu của Nga khi này là giúp đỡ ông Assad và giúp ông giành lại các vùng lãnh thổ bị mất ở phía Tây sông Euphrates, ngoại trừ Afrin, Jarablus do Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ.
Ước tính có tới hơn chín mươi sáu nghìn mục tiêu khủng bố đã bị tiêu diệt vào cuối năm 2017. Trong chiến dịch không quân kéo dài hai năm, sự tham gia của bộ binh Nga ở Syria vẫn ở mức đáng kể.
Tuy nhiên, thỏa thuận Sochi gần đây đã làm cho mọi việc thay đổi. Theo điều khoản thứ năm của thỏa thuận, Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triển khai các cuộc tuần tra chung dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều này đồng nghĩa với việc số lượng binh lính mặt đất của Nga sẽ tăng. Lần đầu tiên, binh lính Nga sẽ bắt đầu tuần tra ở phía đông của Euphrates. Điều này ít nhiều sẽ khiến Moscow những e ngại.
Sự tham gia ngày càng tăng và liên tục ở Syria của Nga cũng sẽ gây ra gánh nặng tài chính, làm cạn kiệt nền kinh tế Nga. Các mỏ dầu của Syria ở khu vực Deir ez-Zor hiện thuộc quyền kiểm soát của Mỹ. Nga cũng không còn có thể phụ thuộc nhiều vào đồng minh Iran của mình. Với nền kinh tế “ốm yếu”, Tehran ước tính vẫn phải chi từ 6-8 tỷ đô la hàng năm để đảm bảo sự sống sót của chính quyền ông Assad. Điều này đã gây nên nhiều cuộc biểu tình ở Iran.
"Moscow đã phải hy sinh nhiều thứ để hỗ trợ cuộc chiến ở Syria. Ngoài Syria, kể từ năm 2008, Nga đã tham gia vào các can thiệp quân sự tốn kém ở Georgia, Ukraine và Crimea. Chẳng hạn, ở Crimea, Điện Kremlin đã đầu tư hơn 5 tỷ đô la vào các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm đường sá, bệnh viện và trường học. Ngoài ra, ông Putin đã rót vốn vào Venezuela để giữ cho ông Nicolas Maduro nắm quyền trong nỗ lực bảo vệ nguồn đầu tư của Nga ở nước này, ước tính khoảng 25 tỷ đô la.
Các nhà phân tích tại Bloomberg ước tính rằng các lệnh trừng phạt đã gây tổn thương đến 6% nền kinh tế Nga trong 5 năm qua. Những điều này bắt đầu tác động tiêu cực đến Nga.
Tuy nhiên, sự rút lui gần đây của Mỹ từ phía đông bắc Syria và sự trỗi dậy hùng mạnh của Nga ở khu vực này đã củng cố niềm tin rằng ông Putin hiện là “cảnh sát trưởng” mới ở Syria. Nhà lãnh đạo Nga mạnh hơn bao giờ hết và quyền lực của ông ở Syria cũng đang ở đỉnh cao. Do đó, quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria của ông Donald Trump có thể mở ra một kỷ nguyên mới cho Nga.