Sự sốt sắng của Hàn Quốc
Trong bài phát biểu chúc mừng năm mới thường niên hôm 1/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói “đã để mở cánh cửa đối thoại giữa hai miền liên Triều”.
Ngay sau đó, giới chức Hàn Quốc đã đáp lại đầy nhiệt tình đối với thiện chí đàm phán của chính quyền Kim Jong-un.
Tại một cuộc họp báo chiều 2/1, Bộ trưởng bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon đề xuất một cuộc họp cấp cao với các quan chức Triều Tiên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào ngày 9/1.
Chưa có thông tin rõ ràng về đoàn đại biểu của hai bên, nhưng một quan chức đã hé mở sau buổi họp báo rằng cuộc gặp ít nhất cũng có mức độ từ cấp Bộ trở lên.
Chương trình nghị sự vẫn để mở, nhưng nó được cho là sẽ tập trung vào vấn đề Triều Tiên cử vận động viên đến Pyeongchang tham dự Thế vận hội Mùa đông,.
Sự kiện thể thao này sẽ diễn ra tại Hàn Quốc trong khoảng thời gian từ 9-25/2.
Trong thông điệp đầu năm mới, ông Kim cho biết ông đã “mở cửa đối thoại” với Hàn Quốc và sẵn sàng để thảo luận về việc tham gia vào Thế vận hội ở Pyeongchang.
Động thái này được cho là khá bất ngờ với giới quan sát, khi từ rất lâu rồi Bình Nhưỡng mới lại lên tiếng trong việc đối thoại với người hàng xóm, giữa bối cảnh cuộc khẩu chiến với Mỹ ngày một căng thẳng.
Trên thực tế, chỉ có 2 vận động viên trượt ván của Triều Tiên đủ điều kiện tham dự Thế vận hội Mùa đông sắp tới, nhưng họ đã không đăng ký thi tài vào thời điểm hạn chót hồi tháng Mười.
Tuy nhiên, Seoul vẫn đáp lại bằng một tuyên bố đầy sốt sắng và cho thấy sự nhiệt tình đến mức coi Triều Tiên như một vị khách quý.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc trả lời ngay thông điệp của Bình Nhưỡng chỉ trong vòng vài giờ, nói rằng Seoul đã sẵn sàng để nói chuyện “bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào và bất kỳ hình thức nào”.
Ngay hôm đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thúc giục bộ Thống nhất và Bộ trưởng thể thao nhanh chóng xúc tiến để đưa các vận động viên Triều Tiên đến Pyeongchang.
Các nhà phân tích đều đồng ý rằng, bài phát biểu đầu năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là một món quà gửi đến Tổng thống Hàn Quốc.
Chính phủ của Tổng thống Moon ngay từ khi thành lập đã thể hiện ý muốn rõ ràng trong việc gắn kết với Bình Nhưỡng nhưng chưa nhận lại được lời đáp trả tích cực nào.
Ông Moon từng nói sự hiện diện của Triều Tiên tại Thế vận hội Mùa đông 2018 có thể là bước đầu tiên hướng tới cải thiện quan hệ hai nước.
Lần đầu tiên tiếp xúc liên Triều xảy ra dưới thời Moon là vào tháng 6 năm ngoái, trong giải vô địch thế giới Taekwondo ở Muju, Hàn Quốc, với sự tham dự của một phái đoàn Triều Tiên.
Tại đây, nhà lãnh đạo Seoul đã ngỏ ý thành lập một đội tuyển liên Triều ở Pyeongchang.
Tuy nhiên, đề xuất của ông Moon không nhận được câu trả lời khi Triều Tiên đang mải khẩu chiến với những cảnh báo khắc nghiệt từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Trong khi đó, giới chuyên gia vẫn thận trọng về triển vọng tích cực trong năm mới, đồng thời cảnh báo rằng Hàn Quốc không nên mơ mộng về tuyên bố hòa giải bất ngờ từ chính quyền Kim gửi đến.
“Đây là một tin tốt. Moon Jae-in đã hy vọng có được điều này và CHDCND Triều Tiên đã đáp lại lời kêu gọi thoại. Nhưng vẫn chưa rõ cuộc hội thoại này có được mở rộng đến các vấn đề hạt nhân hay không”, tiến sĩ Kang Choi, Phó chủ tịch viện Asan, một trung tâm phân tích độc lập có trụ sở ở Seoul, nói.
Chuyên gia này cho rằng, Triều Tiên đã thất bại trong việc cố gắng để được công nhận là quốc gia hạt nhân bởi Mỹ, vì vậy nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chọn Hàn Quốc như một cửa ngõ đối thoại với Mỹ.
Một số chuyên gia tin rằng chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng không chỉ đơn thuần là để tấn công mà còn là công cụ để gây chia rẽ Seoul và Washington.
Tổng thống Moon gần đây từng gợi ý, cuộc tập trận của Hàn Quốc và Mỹ thường niên có thể bị đình chỉ trong thời gian diễn ra Thế vận hội Pyeongchang – điều có thể làm giảm đi những căng thẳng hiện nay trên bán đảo.
Đề nghị này đã nhận lại một phản ứng thờ ơ ở Washington, và Tổng thống Trump chỉ nói một cách lấp lửng: “Chúng ta cùng chờ xem”, trước tuyên bố của nhà lãnh đạo đồng minh.
Ngoại giao Thế vận hội có thành công?
“Seoul nên có đồng thời cả sự tự tin lẫn thận trọng trong cuộc hội thoại lần này”, Daniel Pinkston, một chuyên gia chiến lược tại Đại học Troy nhấn mạnh, đồng thời mô tả Thế vận hội ở Pyeongchang sẽ là nơi tinh thần dân tộc trỗi dậy.
Làn sóng chống Mỹ và yêu cầu các cuộc tập trận ngừng lại sẽ một lần nữa bùng cháy ở Hàn Quốc như một cách đáp ứng trước lời hòa giải của Triều Tiên.
“Trong ngắn hạn, một chiến thắng lớn cho Triều Tiên sẽ kết thúc hoặc giảm xuống quy mô các cuộc tập trận quân sự vào mùa Xuân này”, Pinkston nói thêm. “Và thậm chí nếu điều đó không xảy ra, áp lực từ các nhóm dân tộc ở Hàn Quốc yêu cầu các cuộc tập trận dừng lại sẽ trỗi dậy”.
Hy vọng của ông Moon về ngoại giao “Thế vận hội Mùa đông” có thể xuất phát từ thành công của Tổng thống Mỹ Richard Nixon và lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình trong “ngoại giao bóng bàn” mà dẫn đến mối quan hệ được cải thiện giữa Trung Quốc và Mỹ trong quá khứ.
Nền ngoại giao thể thao liên Triều cũng có lịch sử khá dài. Năm 1991, vận động viên hai miền Triều Tiên cùng kết hợp với nhau tham dự bộ môn bóng đá và bóng bàn.
Tại Thế vận hội mùa hè năm 2000 và 2004, đoàn thể thao hai nước cũng diễu hành cùng nhau dù thi đấu riêng biệt.
Ngoài ra, một đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên cũng đến tham dự Đại hội Thể thao châu Á tại Hàn Quốc năm 2014.
Dẫu vậy, tất cả các lần gặp gỡ trên đều không mang đến bất kỳ tác động lâu dài nào đối với các mối quan hệ rắc rối và đầy biến động trên bán đảo Triều Tiên.