Tín hiệu tích cực của sự hồi phục
Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 10 tháng đầu năm 2021 là 129.055 doanh nghiệp, giảm 13,3% so với cùng kỳ 2020. Trung bình mỗi tháng có 12.906 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới là 93.716 doanh nghiệp, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 35.339 doanh nghiệp, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng đầu năm 2021 là 3.183.638 tỷ đồng giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.304.370 tỷ đồng (giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2020).
Có 34.593 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong 10 tháng đầu năm 2021 (tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2020), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 1.879.268 tỷ đồng (giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2020). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2021 đạt 13,9 tỷ đồng, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2021 là 707.657 lao động, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, sự chuyển hướng kịp thời của Chính phủ từ chủ trương “Zero Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021, thể hiện qua sự phục hồi ban đầu của tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 10.
Cụ thể số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 10/2021 là 8.233 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 108.569 tỷ đồng,
So sánh với tháng 8/2021 và tháng 9/2021, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10/2021 tăng lần lượt 42,9% và 111,2%; số vốn đăng ký mới tăng 59,8% và 73,9%. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10/2021 cũng tiệm cận với con số 8.740 doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng 7/2021, thời điểm trước khi việc giãn cách xã hội được thực hiện trên diện rộng.
Đặc biệt trong khoảng thời gian từ 11/10 - 20/10 cho thấy sau khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành, chỉ trong 10 ngày cuối cùng của kỳ báo cáo tháng, số doanh nghiệp gia nhập thị trường đã chiếm 45,6% (3.753 doanh nghiệp) tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng. Số vốn đăng ký mới cũng chiếm 38,9% (42.280 tỷ đồng) tổng số vốn đăng ký mới trong tháng.
Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng trưởng mạnh
Trong 10 tháng đầu năm 2021, có 3/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020 là: Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 191,3%); Kinh doanh bất động sản (tăng 7,8%); Vận tải kho bãi (tăng 6,3%).
Các ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chiếm tỷ lệ lớn nhất, gồm: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 31.900 doanh nghiệp (chiếm 34,0%); Công nghiệp chế biến, chế tạo có 12.088 doanh nghiệp (chiếm 12,9%); Xây dựng có 11.560 doanh nghiệp (chiếm 12,3%).
Bên cạnh đó, có 14/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu là những ngành, nghề chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cụ thể là sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 79,0%); Thông tin và truyền thông (giảm 67,3%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 27,9%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (giảm 26,7%) và Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 22,5%).
Về địa bàn hoạt động, trong 10 tháng đầu năm 2021, cả nước có 05/06 khu vực có số doanh nghiệp đăng ký thành lập giảm so với cùng kỳ năm 2020,
Theo đó, Đông Nam Bộ (34.470 doanh nghiệp, giảm 25,1%); Tây Nguyên (3.085 doanh nghiệp, giảm 24,2%); Đồng bằng Sông Cửu Long (6.653 doanh nghiệp, giảm 20,7%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (13.266 doanh nghiệp, giảm 13,1%); Đồng bằng Sông Hồng (31.203 doanh nghiệp, giảm 5,1%).
Trung du và miền núi phía Bắc là khu vực duy nhất có số doanh nghiệp đăng ký thành lập trong 10 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020 (5.039 doanh nghiệp, tăng 11,5%).
Riêng Tp. Hồ Chí Minh, địa phương chịu nhiều ảnh hưởng bởi đợt dịch lần thứ tư, có sự sụt giảm về cả số doanh nghiệp đăng ký thành lập và số vốn đăng ký với tỷ lệ 25,5% và 45,8% so với cùng kỳ năm 2020 (trung bình giai đoạn 2016-2020, thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,7% về số doanh nghiệp và tăng 38,1% về số vốn).
Tp.Hồ Chí Minh chiếm ¼ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Dưới tác động của dịch bệnh, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng đầu năm 2021 có 97.089 doanh nghiệp, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và đều tăng với con số lượt là 16,0%, 15,7% và 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Về lĩnh vực, doanh nghiệp rút khỏi thị trường chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; Xây dựng và Công nghiệp chế biến, chế tạo. Đây đồng thời cũng là những ngành nghề có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất.
Tính riêng Thành phố Hồ Chí Minh, trong 10 tháng đầu năm 2021 có 25.895 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (chiếm 26,7% số doanh nghiệp rút lui của cả nước), giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2020. Sự gia tăng về doanh nghiệp rút lui chủ yếu đến từ sự gia tăng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (13.836 doanh nghiệp, tăng 11,4%).
Xét về quy mô vốn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ.
Cụ thể, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng chiếm đến 90% với 44.121 doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh (tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2020), 31.456 doanh nghiệp chờ giải thể (tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020) và 12.069 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt hoạt động (tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020).