Trong khi các cấp các ngành của tỉnh Quảng Bình đang đau đầu về vụ 3 cây sưa ngàn tỷ bị đốn hạ ở rừng Phong Nha - Kẻ Bàng thì mới đây, giới thạo tin khẳng định, có thêm 2 cây sưa nữa ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh vừa bị lâm tặc đốn hạ và bán cho đầu nậu tại rừng với giá 100 tỷ đồng.
Xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) là một xã rẻo cao biên giới, nằm dọc phía nhánh Tây của đường Hồ Chí Minh. Khi chúng tôi có mặt tại đây, nhiều người dân tộc Vân Kiều kể vanh vách về chuyện 2 cây gỗ sưa vừa bị đốn hạ. Một ông già cho hay: Cách đây hơn 1 tháng, có nhóm người ở xã Hiền Ninh chuyên đi săn sưa đã tìm được 2 cây gỗ sưa, trong đó có 1 cây đã chết. Nhóm người này đã bán 2 cây sưa trên cho đầu nậu với giá 100 tỷ đồng. Cây sống được họ đào luôn cả gốc; cây chết thì họ thuê thợ cưa, xẻ ra thành nhiều phách để tiện vận chuyển. Theo lời kể của cụ già này, nhóm người áp tải số gỗ phách về xuôi là dân ở TP Đồng Hới, có dáng người bặm tợn. Còn cây sưa sống được họ đưa về như thế nào thì cụ không rõ.
Một cán bộ thuộc Đồn Biên phòng 597 (Làng Mô) đóng tại xã Trường Sơn xác nhận, khi nhận được tin đồn về chuyện 2 cây sưa bị lâm tặc đốn hạ, Trạm kiểm lâm Trường Sơn đã phối hợp với đồn tiến hành kiểm tra. Để vào đến hiện trường, tổ công tác phải đi bộ mất gần 4 giờ đồng hồ. Tại đây, tổ công tác đã phát hiện một hố sâu có đường kính rộng chừng 1,5m; xung quanh hố, có một ít vai vỏ và mạt cưa (nghi là của gỗ sưa) còn sót lại. Khu vực phát hiện hố đào này gọi là hang Tu - Lồ - Ô thuộc rừng Tam Lu và do chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Long Đại quản lý.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, thông tin về tin đồn người dân tìm thấy gỗ sưa ở khu vực rừng Tam Lu là có thật. Tuy nhiên, ông Sỹ cũng khuyến cáo người dân trước tin đồn chưa được kiểm chứng trên: “Hiện nay, lực lượng chức năng đang làm nghiêm ngặt ở rừng Phong Nha - Kẻ Bàng khiến bọn lâm tặc chưa đưa được số sưa cũ ra khỏi rừng. Có thể, chúng phao tin này để lực lượng phân tán lực lượng về xã Trường Sơn. Đó là cơ hội để đầu nậu gỗ ở Phong Nha - Kẻ Bàng đưa 3 cây gỗ sưa ra khỏi rừng”. UBND huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với bộ đội biên phòng, chính quyền xã Trường Sơn bảo vệ khu vực rừng Tam Lu và vận động nhân dân không nên nghe theo lời đồn, vào rừng làm phức tạp tình hình.
Như chúng tôi đã đưa tin trước đó, vào tháng 11/2011, người dân xã Trường Sơn đã phát hiện một cây gỗ huê do lâm tặc đốn hạ đã lâu còn sót lại cành, ngọn. Hạt kiểm lâm huyện Quảng Ninh cùng với bộ đội biên phòng tìm kiếm và phát hiện được một khúc gỗ huê tròn, gần 2m (nặng 58 kg). Khúc gỗ này sau đó đã được Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tỉnh Quảng Bình bán công khai vào ngày 12/5 với giá 750 triệu đồng.
Đoàn liên ngành đã thất bại Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 19/5/2012, UBND tỉnh Quảng Bình đã thành lập đoàn công tác liên ngành gồm: Công an, quân sự, biên phòng, kiểm lâm... tiến vào rừng Phong Nha Kẻ Bàng. Đoàn này dự kiến hoạt động trong 7 ngày, nhằm truy đuổi lâm tặc, sơn tràng, xã hội đen ra khỏi rừng và thu hổi gỗ sưa do lâm tặc khai thác. Tuy nhiên, đoàn liên ngành gồm các lực lượng nêu trên đã thất bại so với yêu cầu đề ra.Chiều 23/5, đoàn công tác liên ngành gồm 125 người đã ra khỏi rừng vì mệt, khát và không chịu đựng được vất vả. Theo báo cáo sơ bộ, đoàn đã đuổi được 45 người ra khỏi rừng, thu một roi điện và một bình xịt hơi cay, phá hủy 35 lán trại... và không tìm thấy một miếng gỗ sưa nào. |
Xuân Hồng