Theo đó, bệnh viện Nhân Dân 115 đã tiếp nhận thêm 3 bệnh nhân nữ nghi ngộ độc do ăn thức ăn có patê chay. Những bệnh nhân này đều có cùng bệnh cảnh và trước đó đều cùng ăn bún riêu chay tại miếu ở Bình Dương.
Như vậy, tính đến 27/3, đã có 6 trường hợp ngộ độc nghi do ăn thức ăn có patê chay tại Bình Dương.
Trong đó, 1 người đã tử vong. Theo ngành y tế tỉnh Bình Dương, có khoảng 25 - 30 người cùng ăn bún riêu chay trong bữa trưa 20/3. Đây là phật tử đang sinh hoạt tại miếu Chiêu Liêu tại TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Hiện, những người trực tiếp chuẩn bị bữa ăn này đều đang trong tình trạng nguy kịch hoặc đã tử vong. Vì vậy, cơ quan chức năng chưa xác định được chính xác các nguyên liệu đã mua và nguồn gốc.
Như đã đưa tin, trước đó, một gia đình nấu bún riêu chay tại miếu ở Bình Dương cho nhiều người cùng ăn, trong nguyên liệu thấy có 1 hộp patê chay đã bị phồng lên.
Sau khi ăn, 3 người trong gia đình có dấu hiệu bị ngộ độc, được đưa đi cấp cứu. Một bệnh nhân sau đó tử vong tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM. Hai bệnh nhân còn lại được truyền huyết thanh kháng độc tố Botulism Antitoxin Heptavalent do các bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai (TP.Hà Nội) mang vào.
Hiện, sức khỏe của 2 bệnh nhân trên đã có biểu hiện cải thiện rõ rệt sau khi được truyền huyết thanh kháng độc tố Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT).
Theo báo cáo của bệnh viện 115, bệnh nhân nữ 53 tuổi trong tình trạng suy hô hấp nặng, hôn mê, liệt tứ chi (trước đó đã có ngưng tim 1 lần).
Bệnh nhân được truyền 1 lọ huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum. Sau 3 giờ, bệnh nhân có biểu hiện cải thiện sức cơ, từ 1/5 đã tăng lên 2/5, và có biểu hiện nghe hiểu.
Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh nhân là bé gái 16 tuổi bị suy hô hấp và được thở máy, đồng tử dãn 5mm, còn phản xạ ánh sáng, sức cơ 1/5 (chỉ cử động nhẹ đầu ngón tay).
Bệnh nhân được truyền (2/3 lọ) huyết thanh kháng độc tố BAT. Sau 3 giờ, bệnh nhân có biểu hiện cải thiện sức cơ, các đầu ngón tay, chân có biên độ cử động rõ hơn. Đến sáng 26/3 khi được yêu cầu thì bé rung được cơ đùi, đồng tử dãn 4mm có phản xạ ánh sáng tốt.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, những biểu hiện lâm sàng sau khi truyền huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum là bằng chứng cho thấy, đây là những trường hợp ngộ độc thức ăn patê do độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum.
Hiện, bệnh viện Nhân Dân 115 và bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp tục hồi sức và theo dõi sát tình trạng của các bệnh nhân.