Báo Tổ quốc đưa tin, ngày 11/5, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã lấy mẫu gửi Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (thuộc Tổng cục Đo lường chất lượng - Bộ KH&CN) để xét nghiệm xác định chính xác nguyên nhân khiến hơn 200 người bị ngộ độc thực phẩm tại huyện Hòa Vang.
Trước đó, tối 7/5 và rạng sáng 8/5, đã có 133 người trên địa bàn các xã Hòa Phong, Hòa Khương và Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) phải nhập viện cấp cứu với các triệu chứng ngộ độc như đau bụng, đau đầu, buồn nôn, nôn, đại tiện lỏng nhiều lần.
Đặc biệt, theo cập nhật của Sở Y tế Đà Nẵng sáng 11/5, từ ngày 8/5 đến nay tiếp tục có thêm 97 trường hợp phải nhập viện, nâng tổng số vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại huyện Hòa Vang lên 230 trường hợp.
Trong đó, hiện 32 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, 5 ca tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, 173 ca điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang và 20 ca điều trị tại Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ.
Theo Infonet, bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm này, các bệnh nhân đã được điều trị ổn định, chưa có ca bệnh chuyển biến nặng. Trong đó có 100 trường hợp đã được xuất viện; còn lại 130 trường hợp đang điều trị, trong đó có 17 trường hợp được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.
Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng cũng thông tin, Sở Y tế Đà Nẵng đã chỉ đạo các BV, Trung tâm Y tế tập trung nhân lực điều trị cho các bệnh nhân. Đồng thời phối hợp với Ban quản lý An toàn thực phẩm TP và các cơ quan chức năng cung cấp thông tin liên quan phục vụ công tác điều tra làm rõ nguyên nhân
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) cũng được Sở Y tế chỉ đạo phối hợp với Ban quản lý An toàn thực phẩm trong công tác xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và phối hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Trả lời trên Infonet sáng 11/5, dược sĩ Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho biết thêm, việc lấy mẫu gửi xét nghiệm đã được thực hiện ngay trong ngày 8/5, tuy nhiên do phải nuôi cấy vi sinh mới có thể tiến hành xét nghiệm nên thời gian hơi lâu. Dự kiến ngày mai 12/5 mới có kết quả xét nghiệm.
“Nuôi cấy vi sinh thì phải 5 ngày mới mọc, từ đó mới định danh rồi mới xác định nguyên nhân gây ngộ độc được. Sau khi có kết quả xét nghiệm, Ban An toàn thực phẩm TP sẽ họp Hội đồng chuyên môn, sau đó sẽ thông báo chính thức nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm cho công luận và người dân được biết để phòng ngừa!” – Dược sĩ Nguyễn Tấn Hải nói.
Liên quan đến vấn đề ngộ độc thức ăn, theo Zing, trưa 11/5, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết đã tiếp nhận 25 bệnh nhân là công nhân xưởng chế biến gỗ xuất khẩu (thuộc Công ty Cổ phần thiết bị phụ tùng máy xây dựng Việt Ý) được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm.
Bệnh nhân N.T.T. (35 tuổi, Tuyên Quang, quản đốc phân xưởng), đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm, cho biết công ty đã phối hợp với một đơn vị cung cấp các suất ăn cho công nhân (mỗi ngày đặt 80 suất). Sau bữa tối 7/5 và trưa 8/5, phân xưởng có 25 công nhân nhập viện với triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng,…
Hiện tại, sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân T. sức khỏe ổn định, không còn đi ngoài phân lỏng, đau bụng.
BSCKII Ngô Quang Chiến, Phó trưởng khoa Nội Tiêu hóa, cho hay khoa này đang điều trị cho 13 bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm, các trường hợp khác nằm tại khoa Truyền nhiễm và khoa Ngoại Tổng hợp.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân được thăm khám, điều trị bằng các phương pháp như truyền dịch, dùng kháng sinh, giảm tiết, bù nước và điện giải, giảm co thắt đường ruột… Hiện, đa số bệnh nhân đều ổn định và chuẩn bị được xuất viện. Một số bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng đã giảm nhưng vẫn cần theo dõi và tiếp tục điều trị.
Quốc Tiệp (t/h)