Phát hiện chứng cứ mới về "đạo văn" nghiêm trọng và có hệ thống của TS Nguyễn Đức Tồn
Lần theo bài viết của GS.TS Nguyễn Văn Lợi, trong đó có nhắc tên Huỳnh Thanh Trà với tư cách là người bị đạo văn, chúng tôi đã tìm đọc Tạp chí Ngôn ngữ, Số 3/1994 và thấy trong số tạp chí này, có bài viết đứng tên chung 2 tác giả Nguyễn Đức Tồn-Huỳnh Thanh Trà, đó là bài “Đặc điểm danh học và ngữ nghĩa của nhóm từ ngữ chỉ “Sự kết thúc cuộc đời của con người”. Chúng tôi sửng sốt thấy Nguyễn Đức Tồn đã bê nguyên xi bài báo này vào trong cuốn "Đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác)" (Nxb Đại học QG Hà Nội, 2002), thành Chương 6 (21 trang): "Đặc điểm danh học và ngữ nghĩa của nhóm từ ngữ chỉ "sự kết thúc của cuộc đời", mà không hề nhắc đến Huỳnh Thanh Trà. Một lần nữa, ông Nguyễn Đức Tồn lại chiếm đoạt thành quả lao động của một người phụ nữ.
Sau khi bị trì hoãn, được biết Hội đồng Chức danh Giáo sư Ngành Ngôn ngữ học sẽ họp vào ngày 13/6/2018 để thực hiện thẩm định nghi vấn TS Nguyễn Đức Tồn đạo văn, vì thế trong bài báo này, ngoài việc cung cấp thêm chứng cứ ông Tồn đạo văn của Huỳnh Thanh Trà để thêm khẳng định ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn một cách hệ thống, chúng tôi muốn bàn về những quy định đạo văn trên thế giới và ở Việt Nam, liên hệ với trường hợp Nguyễn Đức Tồn.
Các quy định về "đạo văn" soi chiếu vào vi phạm của ông Nguyễn Đức Tồn
Từ “plagiarism”, với nghĩa là “đạo văn”, được đưa vào tiếng Anh lần đầu tiên vào năm 1601 khi nhà viết kịch Ben Jonson sử dụng để mô tả một kẻ thó trộm tác phẩm văn học. Đạo văn là "sự chiếm đoạt sai trái", là "ăn cắp và cho xuất bản" các “ý tưởng, tư tưởng, hoặc đoạn văn" của tác giả khác và coi chúng như một tác phẩm của chính mình. Cuốn Từ điển Larrouse nổi tiếng của Pháp định nghĩa: “Đạo văn là hành động của một người, hoạt động trong lĩnh vực khoa học và văn chương, chiếm đoạt các tác phẩm của người khác, biến chúng thành của mình”.
Tại Việt Nam, đạo văn đã được luật hoá trên cơ sở Luật Sở hữu Trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2005. Một số trường đại học trong nước cũng đã đưa ra các định nghĩa về đạo văn. Chẳng hạn, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (đại học Quốc gia TPHCM) định nghĩa: “Đạo văn là việc sử dụng tác phẩm của người khác vào tác phẩm của mình mà không tuân thủ đúng các quy định của pháp Luật Sở hữu Trí tuệ, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định này” (trích Điều 3, Quy định về trích dẫn và chống Đạo văn, ban hành kèm theo Quyết định số 02/QĐ-XHNV-TTPC-SHTT ngày 19 tháng 1 năm 2018).
Đạo văn là rất nghiêm trọng! Trong giới nghiên cứu, đạo văn luôn được nhìn nhận là một hành vi không trung thực về học thuật và vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghiên cứu. Đối với các trường đại học danh tiếng như Oxford hay Cambridge (Anh Quốc), Giáo sư bị phát hiện đạo văn sẽ phải chịu những hình phạt nghiêm khắc như: đình chỉ chức danh và buộc thôi việc. Sinh viên đạo văn sẽ bị buộc thôi học. Rất nhiều trường đại học hiện đã sử dụng các công cụ chống đạo văn trước khi một sản phẩm khoa học được công bố.
Trường đại học Arizona của Hoa Kỳ nêu rõ đạo văn xảy ra trong các trường hợp sau:
1) Sử dụng nguyên bản lời văn của người khác nhưng không đặt nó trong dấu ngoặc kép bất kể có chú nguồn hay không. Xem xét cuốn “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)” của tác giả Nguyễn Đức Tồn (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002), chúng ta thấy có ít nhất 2 chương bê nguyên luận án PTS của Nguyễn Thúy Khanh (bảo vệ theo chế độ đặc cách năm 1996, mà ông Nguyễn Đức Tồn là cố vấn khoa học) và 2 chương bê nguyên luận văn Cử nhân của Cao Thị Thu (bảo vệ tại trường ĐH KHXH và NV Hà Nội, năm 1995, mà người hướng dẫn là GS.TS Nguyễn Thiện Giáp).
Ở các chương bê nguyên ngữ liệu và những phân tích ngữ liệu để đi đến những nhận định khoa học của người khác, ông Tồn chỉ chú thích rất mơ hồ ở cước chú (tức dòng chữ nhỏ cuối trang) “Chương này được hoàn thành trên cơ sở dữ liệu luận án [30]”, “Chương này được hoàn thành trên cơ sở dữ liệu luận văn [47]”. Như vậy thậm chí tên của bà Nguyễn Thúy Khanh và Cao Thị Thu không được nêu trong cước chú, muốn biết luận án, luận văn của ai, người đọc phải tìm trong mục Tài liệu tham khảo ở cuối sách.
Nhận định việc này, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đã khẳng định: “Việc cả một chương sách từ 15-20 trang gần như trùng hoàn toàn về nội dung với những trang sách trong luận án, dù là đã nói rõ nguồn và dù là của NCS do mình hướng dẫn, không thể coi là dẫn lời (vì không có mở và đóng ngoặc kép), cũng không thể coi là dẫn ý (vì không thể có ý nào dài 15-20 trang). Với số trang trùng cao như thế (4 chương, tổng cộng hơn 100 trang, chiếm gần 1/3 toàn bộ cuốn sách, thì NCS Nguyễn Thuý Khanh (và sinh viên Cao Thị Thu) phải được ghi tên là những đồng tác giả. Mà chỉ chú nguồn đơn giản như vậy thì thực chất cũng là đạo văn”.
Với bằng chứng vừa tìm thấy về bài báo của Nguyễn Đức Tồn đứng tên chung với Huỳnh Thanh Trà, đã được đăng trong Tạp chí Ngôn ngữ học năm 1994, nhưng 8 năm sau đó được ông Nguyễn Đức Tồn bê nguyên thành một chương sách dài đến 21 trang mà không hề nhắc đến tên Huỳnh Thanh Trà, chúng tôi muốn khẳng định với GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, rằng đối với cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)” (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002), ông Tồn phải để tên Nguyễn Thúy Khanh, Cao Thị Thu và cả Huỳnh Thanh Trà là đồng tác giả. Chúng tôi cũng đã khảo sát lại tư liệu và thấy rằng số trang của cuốn sách bị trùng với các công trình của Nguyễn Thúy Khanh, Cao Thị Thu, Huỳnh Thanh Trà là 150 trang (trên tổng số 353 trang), chiếm 42,5% cuốn sách.
2) Sử dụng lời văn của người khác, nhưng biến báo một đôi chỗ, hoặc tổ chức lại nó, là hành vi đạo văn, ngay cả khi được chú nguồn.
Trong cuốn “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở” (của Nguyễn Đức Tồn, Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội, nộp lưu chiểu tháng 5/2001) có 23 trang bê gần như nguyên xi bài báo “Dạy từ láy cho học sinh trung học cơ sở” của Nguyễn Thị Thanh Hà. Tác giả Nguyễn Thị Thanh Hà đã đăng bài báo này 3 tháng trước đó trên Tạp chí Ngôn ngữ (Tạp chí Ngôn ngữ, số 2/2001) mà ông Nguyễn Đức Tồn lúc đó là Tổng biên tập. Nói ông Tồn bê “gần như nguyên xi” vì bài báo của Nguyễn Thị Thanh Hà có tên là “Dạy từ láy cho học sinh trung học cơ sở” còn khi ông Tồn bê vào trong sách của mình, ông này ghi là “Về phương pháp dạy từ láy cho học sinh trung học cơ sở” (tức thêm vào 3 chữ “Về phương pháp”). Dĩ nhiên, sự thay đổi táo bạo nhất là trong bài báo đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ, Nguyễn Thị Thanh Hà là tác giả duy nhất, thì trong sách của ông Nguyễn Đức Tồn, bà Hà bị giáng cấp thành người cộng sự ở một cước chú: “Bài viết này có sự cộng tác của Nguyễn Thị Thanh Hà, NCS Viện Ngôn ngữ học” (cước chú ở trang 78 của sách “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở”). Thậm chí ông Tồn đạo văn ngang nhiên đến mức, đó là trong bài báo của mình, tác giả Nguyễn Thị Thanh Hà có 2 lần chú thích trong ngoặc "chúng tôi nhấn mạnh-NTTH” thì khi ông Tồn đưa bài báo ấy vào sách của mình, ông này chữa lại thành “chúng tôi nhấn mạnh-NĐT”, thật là phép hô biến tài tình của kẻ đạo văn chuyên nghiệp!
3) Tóm tắt hoặc diễn giải lời văn của người khác mà không ghi chú nguồn
Tại Việt Nam, cả hai đại học Quốc gia (Hà Nội và TP.HCM) đều nêu rõ các hình thức đạo văn. Đó là việc không chú nguồn phù hợp, cung cấp sai thông tin khi sao chép, biên dịch, trích dẫn nguyên văn và sử dụng các công trình nghiên cứu, tác phẩm nghệ thuật, thiết kế, biểu đồ, dữ liệu…
Đặc biệt, theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội (trong Hướng dẫn thực hiện việc trích dẫn trong các ấn phẩm khoa học tại đại học Quốc gia Hà Nội, số 2383/HD-ĐHQGHN, ngày 27/7/2017), thì kể cả trong trường hợp trích dẫn phù hợp, đạo văn vẫn xảy ra khi “nội dung trích dẫn chiếm chủ đạo (trên 25% - tính theo từng bài viết; chương, mục của sách chuyên khảo, luận văn, luận án…) so với kết quả nghiên cứu và bàn luận, lí giải của tác giả” (Điều 2.2d). Con số phần trăm tương ứng được quy định tại đại học Quốc gia TPHCM là 20%.
Rõ ràng, hai cuốn sách của Nguyễn Đức Tồn được dẫn trên đây đều mắc lỗi đạo văn theo định nghĩa đạo văn của đại học Quốc gia Tp HCM và đại học Quốc gia Hà Nội.
Đối với nhiều trường đại học, người ta phân biệt rõ các mức độ đạo văn khác nhau. Chẳng hạn, đại học Webster của Hoa Kỳ chia đạo văn thành 4 mức độ: đạo văn tối thiểu, đạo văn đáng kể, đạo văn toàn phần và đạo văn tột bậc. Đạo văn tột bậc là việc đạo văn có hệ thống, lặp lại nhiều lần, hoặc kiếm lợi nhuận từ việc đạo văn, hoặc cưỡng bách lấy trộm tài liệu của người khác một cách bất minh. Đối chiếu với trường hợp Nguyễn Đức Tồn, 2 cuốn sách của ông Tồn trên đây đều xứng đáng xếp vào đạo văn toàn phần. Với việc đạo văn có hệ thống qua 2 cuốn sách này, TS Nguyễn Đức Tồn phải được xếp vào đạo văn tột bậc.
Đến đây đã có thể khẳng định: TS Nguyễn Đức Tồn đạo văn! Dứt khoát không thể có một lí lẽ nào để biện hộ cho chuyện TS Nguyễn Đức Tồn sao chép nguyên xi hoặc gần như nguyên xi các công trình nghiên cứu đi trước vào trong các chương nội dung sách của mình là “không đạo văn” được.
Theo Báo Phụ nữ Thủ đô