Theo báo Vietnamnet đưa tin từ bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, tại địa phương này vừa ghi nhận thêm trường hợp bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 tử vong.
Đó là bệnh nhân N.N.T (50 tuổi, trú thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, Kon Tum). Bệnh nhân T. nhập viện ngày 5/11 với các triệu chứng bệnh não gan/xơ gan child C do viêm gan virus C và viêm phổi cộng đồng.
Báo VTC News thông tin thêm, bệnh nhân T. là 1 trong số 44 người tiếp xúc với bệnh nhân N.T.T (37 tuổi, ni cô chùa Pháp Hoa, TP Kon Tum) đã tử vong ngày 8/11 do mắc cúm A/H1N1.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum ghi nhận trường hợp bệnh nhân N.T.T tử vong do mắc cúm A/H1N1.
Trước tình hình dịch cúm diễn biến phức tạp, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) thông tin với báo Dân sinh, bệnh cảm cúm là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên, lây nhiễm qua đường hô hấp, trực tiếp từ người bệnh sang người khỏe. Tại Việt Nam, các virus gây nên bệnh cúm thường gặp là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B.
Theo BS Dũng, căn bệnh này có thể gặp ở mọi độ tuổi nhưng thường trở nên phổ biến hơn ở trẻ nhỏ, người già, người làm việc cường độ cao, người đang mắc phải một số bệnh mãn tính, khả năng chống chọi virus, vi khuẩn yếu kém hơn những người khác.
Nhóm bệnh nhân mắc cúm có diễn biến thất thường nhất, đáng lo ngại nhất là nhóm những người mắc bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, bệnh về phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính, hen phế quản, giãn phế quản… Đặc biệt là nhóm bệnh nhân có vấn đề sẵn ở đường hô hấp, khi mắc cảm cúm, các triệu chứng của bệnh mãn tính càng được thể bùng phát và diễn biến nặng nề hơn, thậm chí là tử vong. Do đó, đừng bao giờ nghĩ chỉ một cơn cảm cúm xoàng thì chẳng có nghĩa lý gì với sức khỏe con người.
Điều vô cùng đáng lo ngại hiện nay chính là người dân luôn có suy nghĩ nhầm lẫn giữa cảm cúm với cảm lạnh thông thường. Để phân biệt, bác sĩ Dũng lưu ý, các triệu chứng của bệnh cảm cúm nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi.
Nếu cảm thấy mệt mỏi quá mức so với bình thường, chuyên gia khuyên người dân nên nhập viện càng sớm càng tốt. Nếu thấy xuất hiện hiện tượng sốt cao sau vài ngày sốt nhẹ, đau nhức toàn thân, đau ngực, khó thở… thì càng phải đến viện sớm. Đây chính là những biến chứng cực nguy hiểm của bệnh cảm cúm, không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Giới chuyên gia khuyến cáo, trong thời điểm này, người dân nên tiêm phòng cúm vì nó có thể làm giảm nguy cơ bị nhiễm virus từ 10 - 60%. Nên rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, liên hệ với bác sĩ ngay khi bạn bị cúm, không đi làm hoặc đi học khi thấy có những triệu chứng của bệnh cúm, nghỉ ngơi thoải mái và luôn uống đủ nước. Trong thời gian nghỉ lễ cần hết sức chú ý đi đến chỗ đông người phải tránh xa những người bị cúm, khi bị bệnh nên ở nhà, không đến nơi công cộng, tránh lây bệnh cho người khỏe mạnh.
Phong Linh (tổng hợp)