Thêm một gáo nước lạnh vào ngành công nghiệp không khói?

Thêm một gáo nước lạnh vào ngành công nghiệp không khói?

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Thời gian vừa qua, một số thông tin liên quan đến những hạt sạn trong hoạt động du lịch đã khiến không ít người buồn lòng. Xuất hiện "nghề" chèo kéo du khách ở Hồ Gươm; chìm tàu làm 5 du khách thiệt mạng… và mới đây nhất là việc tỉnh Quảng Ninh quyết định tăng gần 100% giá tàu chở du khách tham quan.

Nỗi buồn mang tên... du lịch

Lợi nhuận mà du lịch mang đến cho mỗi quốc gia, mỗi địa phương là điều ai cũng dễ dàng nhận thấy. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi du lịch ngành công nghiệp không khói, bởi đóng góp của nó với nền kinh tế của đất nước là rất lớn. Việt Nam là một trong những nước được đánh giá cao về tiềm năng du lịch. Tuy nhiên, tiềm năng lớn không đồng nghĩa với việc chúng ta khai thác tốt thế mạnh này. Thời gian qua, một số hạt sạn trong ngành du lịch đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Xã hội - Thêm một gáo nước lạnh vào ngành công nghiệp không khói?

Quảng Ninh tăng gần 100% giá tàu tham quan vịnh Hạ Long vào lúc này là bất hợp lý.

Những ngày qua, dư luận chưa hết bàng hoàng khi tai nạn xảy ra với một chiếc tàu du lịch trên vịnh Hạ Long khiến 5 du khách Đài Loan thiệt mạng. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng đắm tàu, tai nạn đối với khách tham quan tại kỳ quan thiên nhiên thế giới này. Thế nhưng, thay vì quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ, sự an toàn cho du khách thì mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định áp dụng mức tăng gần 100% giá tàu đưa khách tham quan và lưu trú qua đêm trên vịnh. Mức giá này áp dụng cho quý IV năm 2012.

Việc tỉnh Quảng Ninh "bỗng dưng" tăng giá tàu đưa khách tham quan đã làm các công ty du lịch sửng sốt còn khách tham quan thì... thở dài, bởi mức giá này là quá cao so với mức sống chung của người Việt Nam. Trước đó, vào cuối năm 2011, tỉnh Quảng Ninh cũng đã quyết định tăng giá vé tham quan khiến không ít người thất vọng. Phản ứng trước việc "muốn là tăng" này của UBND tỉnh Quảng Ninh, đại diện công ty Cổ phần đầu tư Thương mại và Du lịch Bài Thơ cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khách du lịch có chiều hướng giảm sút, việc làm ăn của các công ty du lịch cũng khó khăn không kém. Thay vì có chính sách khuyến khích, thu hút du khách thì tỉnh Quảng Ninh lại đột ngột tăng giá, đây là điều khó chấp nhận được.

Một chuyên gia về du lịch chia sẻ rằng, không chỉ buồn trước việc Quảng Ninh tăng giá tàu đưa khách tham quan vịnh với lý do cho xứng tầm kỳ quan thế giới, mà còn nhiều trăn trở khi nghe những câu chuyện không đáng có của hoạt động du lịch.

Đầu tháng 10 vừa rồi, thêm một vụ việc đáng buồn của du lịch nước nhà khi tại một thành phố nổi tiếng về du lịch như Đà Lạt, cò mứt đã ngang nhiên đánh hướng dẫn viên du lịch vì cái "tội"... không chịu dẫn khách vào lò mứt của họ. Sau câu chuyện này, anh Trần Trí Dũng (hướng dẫn viên bị đánh) chua chát thốt lên rằng: "Nếu bị hành hung mà du lịch Việt Nam tốt hơn thì tôi chẳng ngại. Nhưng thật đáng buồn... sau sự việc đó, tôi muốn các cơ quan quản lý cần mạnh tay hơn để dẹp nạn cò và nạn trấn lột du khách trá hình, để du lịch Việt Nam không sa vào cảnh du khách "một đi không trở lại".

Cần nâng cao tính chuyên nghiệp

Liên quan đến những hạt sạn của du lịch Việt thời gian qua, ông Trịnh Việt Dũng, Giám đốc Công ty Asiana Travel cho rằng, cách làm du lịch của chúng ta đang có vấn đề. Chính vì "có vấn đề" cho nên rất nhiều du khách quốc tế đã "một đi không trở lại". Ông Dũng dẫn chứng việc một tên "cò" mứt ngang nhiên đánh hướng dẫn viên du lịch vì không chịu đưa khách vào lò mứt của anh ta, rồi chuyện các "nữ quái" hoành hành tại Hồ Gươm cho đến những chuyện "chặt chém" như cơm bữa tại các điểm du lịch... Thử hỏi nếu du khách gặp phải những cảnh đó thì lần sau họ còn bỏ tiền để quay lại?

Liên quan đến những câu chuyện không vui của du lịch Việt Nam, ông Lại Hồng Khánh, chủ tịch danh dự Hiệp hội Du lịch Hà Nội, (nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Tây) bày tỏ nhiều trăn trở đối với ngành công nghiệp không khói của chúng ta. Ông Khánh thẳng thắn nhìn nhận rằng, bức tranh du lịch Việt Nam thời gian qua còn có nhiều điều phải bàn, chất lượng của sản phẩm du lịch chưa đáp ứng được kỳ vọng của du khách. Những hạt sạn này rõ ràng ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Bằng kinh nghiệm quản lý của mình, nguyên giám đốc Sở VH - TT - DL Hà Tây (cũ) lý giải khá đầy đủ nguyên nhân của những câu chuyện buồn trong du lịch Việt. Theo đó, nhận thức của những người làm du lịch còn chưa tốt, chưa đầy đủ. Có khi, chỉ vì lợi nhuận nhất thời của doanh nghiệp, đơn vị mình mà làm phương hại đến hình ảnh chung. "Người làm du lịch nhiều khi chưa biết đặt mình vào đội hình chung, bức tranh chung của du lịch mà tự tách mình ra với cách làm chụp giật. Một số cá nhân làm du lịch nhưng không có tính chuyên nghiệp, hoặc tính chuyên nghiệp không cao. Tính thiếu chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ họ chưa nhận thức đầy đủ về ngành du lịch. Do vậy, trong lĩnh vực kinh doanh mang tính đặc thù này, đòi hỏi người trong ngành phải có tay nghề về du lịch, kiến thức về du lịch", ông Khánh phân tích.

Đặc biệt, ông Khánh cho rằng, làm du lịch phải có cái tâm về ngành du lịch. Bởi du lịch là ngành thuộc lĩnh vực văn hóa, vận hành theo những kỹ năng để ra hiệu quả kinh tế. Nhưng cái đích cuối cùng của hoạt động này lại mang thông điệp văn hóa cho du khách gần xa, để họ hiểu về đất nước này, dân tộc này chứ không phải là mấy đồng bạc anh thu được. Nếu không nhận thức được điều đó mà chỉ chăm chăm làm du lịch theo kiểu tận thu, chụp giật thì tình trạng du khách tẩy chay và "một đi không trở lại" cũng là điều dễ hiểu. Những cái được thua đó không phải người làm du lịch nào cũng hiểu được. Chính vì thế, những hạt sạn của ngành du lịch vẫn còn, những con sâu vẫn làm rầu nồi canh.

Liên quan đến việc tỉnh Quảng Ninh bất ngờ tăng giá tàu tham quan, ông Lại Hồng Khánh cho rằng: "Việc tăng giá với một sản phẩm trong đó có cả sản phẩm du lịch thì phải căn cứ vào những yếu tố như mặt bằng chung, giá nguyên liệu, những chi phí đẩy giá nguyên liệu lên... nếu những yếu tố đó tăng thì chắc chắn giá cũng phải tăng. Chuyện Quảng Ninh tăng giá tàu lưu trú trên vịnh, nếu cơ sở tăng giá của tỉnh hợp lý thì du khách sẽ hiểu và thông cảm, còn nếu tăng giá một cách vội vàng, thiếu cơ sở thì sẽ bị du khách quay lưng. Tôi không bình luận nhiều đến việc tăng giá trong du lịch, nhưng bằng kinh nghiệm công tác lâu năm trong lĩnh vực này, tôi cho rằng nếu tăng giá không có cơ sở thì sẽ làm hại chính mình".

Sản phẩm du lịch có tính lan tỏa và thẩm thấu

Ông Lại Hồng Khánh cho rằng: "Đối với cơ quan quản lý, tôi nghĩ cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền văn hóa du lịch cho doanh nghiệp, cá nhân. Bởi sản phẩm du lịch không phải là những hàng hóa bình thường, không phải là những thứ dùng một lần rồi vứt đi, hàng hóa du lịch có bao hàm giá trị văn hóa rất lớn, tính lan tỏa và thẩm thấu. Nhà quản lý cũng xem những hạt sạn đó là điều cần phải giải quyết một cách quyết liệt, toàn diện để làm sạch môi trường du lịch nước nhà".

Q. Triều - A. Đức


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.