Phát kiến độc đáo này đã mang lại sự tò mò, ngạc nhiên của nhiều phụ huynh, học sinh trên địa bàn huyện. Với nhiều giá sách được thiết kế bằng các ống nhựa, treo lủng lẳng trên các nhánh cây, đã thu hút sự thích thú của các em học sinh. Từ đó, phong trào “Chăm đọc sách, học điều hay” được các em hào hứng tham gia. Thư viện ngoài trời của trường lúc nào cũng có người tìm đến. Hàng trăm cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo, sách truyện được bỏ trong bình nhựa treo trên nhành cây, nhìn khá lạ mắt.
Mô hình "thư viện treo" của thầy trò trường PTCS Hướng Lộc. Ảnh: Q.H
Thầy Đinh Văn Dũng, hiệu trưởng Trường PTCS Hướng Lộc chia sẻ: “Từ khi triển khai ý tưởng về thư viện treo, nhà trường đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực từ các giáo viên, phụ huynh và học sinh. Những năm qua, chúng tôi luôn tìm cách đổi mới phương pháp giảng dạy, khơi tinh thần tự giác đọc sách trong các em. Đến nay bước đầu đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực”.
Làm công tác quản lý thư viện đã lâu, cô Tứ luôn trăn trở: "Phần lớn học sinh của nhà trường đang còn rụt rè, không dám đến thư viện. Phòng đọc sách do trường lập ra, mỗi ngày đón rất ít lượt người đến đây. Mặc dù nhiều lần chúng tôi đến từng lớp động viên các em chăm đọc sách, giới thiệu tác phẩm văn học hay... nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình". Cách đây không lâu, theo dõi ti vi, cô Lê Thị Tứ thấy một số trường triển khai mô hình thư viện đặt ở ngoài trời. Thấy lạ lạ, lại có hiệu quả nên cô mạnh dạn đề xuất xin ý kiến của nhà trường.
Từ ngày “Thư viện treo” ra đời, phong trào “chăm đọc sách, học điều hay” ở Trường PTCS Hướng Lộc phát triển rầm rộ. Không chỉ say mê truyện tranh, sách văn học, nhiều học sinh còn mạnh dạn đề nghị bổ sung các đầu sách tham khảo, đố vui để học... Nhờ thế, kết quả học tập của các em được cải thiện đáng kể.
Em Nguyễn Thị Trà, học sinh lớp 7 chia sẻ: “Thư viện này rất tiện lợi, bọn em trong giờ ra chơi, ngồi dưới gốc cây cũng có thể rút được quyển sách đọc. chứ không phải đi vào thư viện như trước đây. Em và nhiều bạn của em rất thích kiểu thư viện ngoài trời này. Nhờ đọc sách nhiều, các môn xã hội của em đã chuyển biến đáng kể.
Một giáo viên trẻ của trường chia sẻ: “Thói quen đọc sách dường như giúp các em học sinh hòa đồng, trưởng thành và chăm chỉ hơn. Nhiều em trước đây rất nghịch ngợm, lười học giờ đã tiến bộ hẳn”.
Đây là một ý tưởng rất hiệu quả, và có tính thiết thực, gần giũ với mọi người. Trong tương lai gần, nên triển khai rộng, để nhằm khắc phục thực trạng hạn chế đọc sách của người Việt.
H.Vân