Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bộ Quốc phòng Myanmar và 2 ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước mà họ cho rằng tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch giữa chính quyền quân sự và thị trường nước ngoài, bao gồm cả vũ khí và thiết bị quân sự từ Nga.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng quân đội Myanmar đã dựa vào các nguồn nước ngoài, bao gồm cả các thực thể của Nga đang bị trừng phạt, để mua và nhập khẩu vũ khí, thiết bị và nguyên liệu thô để sản xuất vũ khí.
Washington cáo buộc Bộ Quốc phòng nhập khẩu hàng hóa và trang thiết bị trị giá ít nhất 1 tỷ USD kể từ năm 2021.
Các hạn chế mới, được Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm 21/6, bao gồm việc chặn tất cả các giao dịch liên quan đến Mỹ với Bộ Quốc phòng Myanmar, ngân hàng ngoại thương Myanmar (MFTB) và ngân hàng thương mại và đầu tư Myanmar (MICB).
Một báo cáo hồi tháng 2 của tổ chức nhân quyền Mỹ EarthRights International cho biết, hai ngân hàng này là “kho ngoại tệ” của chính phủ Myanmar và hiện nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền.
Theo EarthRights, chính quyền quân sự Myanmar dựa vào ngoại tệ để mua nhiên liệu máy bay, các bộ phận để sản xuất vũ khí nhỏ và các nguồn cung cấp khác không thể mua được bằng đồng kyat của Myanmar.
“Kết quả, các biện pháp trừng phạt đối với MFTB và MICB có thể góp phần đáng kể vào việc cắt đứt khả năng tiếp cận ngoại tệ của chính quyền quân sự, đặc biệt nếu được kết hợp với việc thực thi mạnh mẽ”, tổ chức này cho biết.
Người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun hôm 20/6 cho biết họ không lo lắng về bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào, bởi Myanmar đã trải qua các lệnh trừng phạt trước đây.
Ông Zaw cũng cho rằng Mỹ đang đẩy Myanmar tới một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị, và các biện pháp trừng phạt mới sẽ không gây tổn hại cho nền kinh tế nước này vì các dịch vụ ngân hàng quốc tế cũng được cung cấp bởi các ngân hàng tư nhân địa phương và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
“Mỹ làm điều này chỉ để gây khó khăn về kinh tế và chính trị. Những điều này sẽ gây ra sự chậm trễ không cần thiết trong khi chúng ta tiến tới hệ thống dân chủ đa đảng”, ông Zaw nhận định.
Mỹ trước đây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 2 ngân hàng này vào năm 2003, nhưng đã dỡ bỏ vào năm 2016.
Những biện pháp trừng phạt được đưa ra hôm 21/6 là những động thái mới nhất trong một loạt hành động chống lại các tướng lĩnh đã lật đổ chính phủ dân sự do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo vào năm 2021.
Chính phủ quân sự do ông Min Aung Hlaing lãnh đạo đã phải vật lộn để ổn định nền kinh tế đã suy giảm 18% vào năm ngoái và hiện đang phải đối mặt với lạm phát tăng vọt, đồng tiền suy yếu và dự trữ ngoại tệ thu hẹp.
Tờ Bangkok Business News trích dẫn các nguồn tin Thái Lan cho biết, lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến tài chính của Thái Lan và các quốc gia khác trong khu vực vì mối liên hệ của họ với các ngân hàng địa phương.
Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, Bloomberg)