Thêm nhiều quyền lợi cho người sử dụng bảo hiểm y tế từ 1/1/2025, biết kẻo thiệt

Thêm nhiều quyền lợi cho người sử dụng bảo hiểm y tế từ 1/1/2025, biết kẻo thiệt

Thứ 5, 28/11/2024 07:00

Thông tư số 39/2024/TT-BYT của Bộ Y tế (có hiệu lực từ 1/1/2025) sửa đổi, bổ sung nhiều quy định thuận lợi cho người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế (BHYT).

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 39/2024/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.

Đại diện Vụ BHYT cho biết, trước đó thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật BHYT năm 2009, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, ngày 28/9/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 35/2016/TT-BYT ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.

Sau 8 năm thực hiện, bên cạnh những mặt ý nghĩa tích cực mang lại, việc triển khai thực hiện Thông tư số 35/2016/TT-BYT cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc cần phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ kỹ thuật, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 39/2024/TT-BYT với nhiều điểm mới thuận tiện hơn cho cả người bệnh tham gia BHYT và cơ sở khám, chữa bệnh như bổ sung hướng dẫn thanh toán chi phí (có giá, ngày dường, dịch vụ kỹ thuật chi tiết, chi phí khám...); đồng thời sửa đổi điều kiện thanh toán BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.

Theo đó, tại Khoản 2 Điều 1, Thông tư 39 sửa đổi, bổ sung danh mục các dịch vụ kỹ thuật y tế được thanh toán BHYT theo hướng đơn giản hóa điều kiện nhằm mở rộng phạm vi thực hiện cho các cơ sở y tế tuyến dưới, giúp người bệnh có nhiều lựa chọn hơn.

Điều kiện thanh toán chụp cắt lớp vi tính (CT) được mở rộng cho các trường hợp như chụp ngực hoặc bụng cho trẻ dưới 6 tuổi, chụp vùng sọ mặt cho bệnh lý dị tật sọ mặt bẩm sinh.

Nhiều dịch vụ kỹ thuật cao hỗ trợ chẩn đoán và điều trị ung thư cũng được thanh toán BHYT như chụp PET/CT để chẩn đoán ung thư, ung thư di căn không rõ u nguyên phát, xác định giai đoạn, xác định tái phát hay di căn, đánh giá đáp ứng điều trị…

Bên cạnh đó, Thông tư 39 đã bổ sung quy định xác định số lần, mức giá và thanh toán tiền khám bệnh trong một số trường hợp cụ thể.

Thêm nhiều quyền lợi cho người sử dụng bảo hiểm y tế từ 1/1/2025, biết kẻo thiệt- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo Thông tư, trường hợp người bệnh đến khám bệnh tại khoa khám bệnh sau đó được chỉ định vào điều trị nội trú theo yêu cầu chuyên môn thì việc thanh toán tiền khám bệnh thực hiện theo quy định.

Trường hợp không đăng ký khám bệnh tại khoa khám bệnh nhưng đến khám bệnh và vào điều trị nội trú tại các khoa lâm sàng theo yêu cầu chuyên môn thì không thanh toán tiền khám bệnh.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có tổ chức khám chuyên khoa tại khoa lâm sàng, người đăng ký khám bệnh tại khoa khám bệnh và khám chuyên khoa tại khoa lâm sàng thì được tính như khám bệnh tại khoa khám bệnh. Việc tính số lần khám bệnh, mức giá thực hiện theo quy định.

Theo ThS Vũ Nữ Anh - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Thông tư 39 đã bổ sung khái niệm "Một lượt khám bệnh, chữa bệnh được xác định là một lần khám ngoại trú hoặc một đợt điều trị (điều trị ngoại trú hoặc điều trị ban ngày hoặc điều trị nội trú). Số ngày của một lượt khám bệnh, chữa bệnh do người hành nghề quyết định dựa trên tình trạng bệnh của người bệnh".

Thông tư 39 nêu rõ, trong cùng một lần đến khám bệnh tại cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (có thể trong cùng một ngày hoặc do điều kiện khách quan hoặc yêu cầu chuyên môn nên chưa hoàn thành được quá trình khám bệnh trong ngày, phải tiếp tục khám bệnh trong ngày tiếp theo), người bệnh sau khi khám một chuyên khoa cần phải khám thêm các chuyên khoa thì từ lần khám thứ 02 chỉ tính 30% mức giá của 01 lần khám bệnh và mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh của người đó không quá 02 lần mức giá của 01 lần khám bệnh.

Ví dụ: Người bệnh A được khám chuyên khoa nội, sau đó được bác sĩ chỉ định khám chuyên khoa ngoại, thì giá khám chuyên khoa ngoại (khám lần 2) được tính bằng 30% mức giá của khám lần 1 (chuyên khoa nội).

Theo Thông tư, người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đã được khám bệnh, cấp thuốc về điều trị nhưng sau đó có biểu hiện bất thường, đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó để khám lại ngay trong ngày hôm đó và được tiếp tục thăm khám thì lần khám này được coi như là lần khám thứ 02 trở đi trong một ngày, trừ trường hợp cấp cứu được tính là một lần khám mới. Việc thanh toán thực hiện theo quy định của Thông tư.

Ngoài ra, tại Điều 4a, Thông tư 39 quy định chi phí nhiều loại vật tư chưa tính trong giá ngày giường điều trị, được thanh toán theo thực tế sử dụng của người bệnh như: Thuốc, máu, chế phẩm máu, dịch truyền, các loại bơm tiêm, kim tiêm…

Điều 4a quy định chi phí chưa tính trong giá dịch vụ kỹ thuật được thanh toán theo thực tế sử dụng cho người bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thu của người bệnh các chi phí thuốc, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.

Tại Điều 4c, Thông tư 39 quy định về cách xác định số ngày giường, áp dụng mức giá và thanh toán tiền ngày giường giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; trong đó có nhiều quy định có lợi cho người bệnh.

Cụ thể, trường hợp trong cùng một ngày người bệnh chuyển 2 khoa thì mỗi khoa chỉ được tính 1/2 ngày.

Giá dịch vụ ngày giường bệnh được tính theo tiêu chuẩn 1 người/1 giường. Trường hợp ở cùng một thời điểm phải nằm ghép 2 người/1 giường thì chỉ được thanh toán 1/2 mức giá dịch vụ. Trường hợp nằm ghép từ 3 người trở lên thì chỉ được thanh toán 1/3 mức giá. Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp thì áp dụng mức bằng 50% mức giá.

Thông tư 39 cũng nêu rõ, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải điều phối, bố trí nhân lực, số bàn khám bệnh theo yêu cầu để bảo đảm chất lượng khám bệnh. Đồng thời, quy định tính số lần khám bệnh tối đa được cơ quan BHXH thanh toán đối với các bàn khám trên 65 lượt khám trong thời gian mỗi 08 giờ/01 ngày, trước kia quy định 65 lượt khám/01 ngày.

Theo đó, đối với các bàn khám mà khám trên 65 lượt khám trong thời gian mỗi 08 giờ/01 ngày: cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó.

Trong thời gian tối đa 03 tháng liên tiếp, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vẫn còn có bàn khám bệnh trên 65 lượt/ngày thì cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám bệnh đó.

Ví dụ thời gian tổ chức khám bệnh là 10 giờ (do làm thêm 2 giờ) thì số lượt khám của mỗi bàn khám cho 10 giờ làm việc là 65:8x10 = 81 lượt.

Thông tư 39 của Bộ Y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.