Xét tuyển học bạ được coi là "tấm vé" an toàn để thí sinh có thể chắc suất vào đại học với những trường có điểm chuẩn không quá cao. Tổng số chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển này cũng tăng dần theo từng năm.
Hiện các trường đại học đã rục rịch công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ và xét tuyển kết hợp.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 2 năm 2021 vào sáng nay 1/8, bằng phương thức xét học bạ lớp 12 đối với các ngành đào tạo trình độ ĐH hệ chính quy.
Điểm trúng tuyển đợt 2 phương án xét học bạ lớp 12 của trường từ 18 đến 25,25 điểm. Trong đó, ngành công nghệ thực phẩm có điểm chuẩn cao nhất.
Từ ngày 4 đến 10/8, thí sinh trúng tuyển tiến hành nhập học trực tuyến.
Đến 17h ngày 25/8, nếu thí sinh không hoàn thành thủ tục nhập học thì thông tin trúng tuyển của thí sinh sẽ hết giá trị.
Đại học Công nghiệp TP.HCM công bố điểm chuẩn xét học bạ (kết quả học tập lớp 12) với mức cao nhất ở ngành Kinh doanh quốc tế 27 điểm. Các ngành lấy điểm chuẩn từ 26 gồm: Nhóm ngành Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Luật kinh tế. Các ngành còn lại lấy điểm chuẩn 20-25,5. Tại phân hiệu Quảng Ngãi, tất cả ngành lấy điểm chuẩn 18.
Cụ thể, năm nay, ĐH Công nghiệp TP.HCM tuyển 8.000 chỉ tiêu với hơn 60 ngành. Trường sử dụng 4 phương thức tuyển sinh: Tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; xét kết quả học bạ lớp 12; xét điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức; xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
ĐH Nông lâm TP.HCM năm nay tuyển gần 5.000 chỉ tiêu tại cơ sở chính và hai phân hiệu ở Ninh Thuận, Gia Lai với 4 phương thức tuyển sinh: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét kết quả học tập 5 học kỳ bậc THPT (trừ học kỳ 2 lớp 12); xét điểm thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM.
ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM đã công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM 2021 ở 29 ngành đào tạo trình độ đại học chính quy.
Theo đó, điểm trúng tuyển cao nhất là 750 gồm các ngành Kinh doanh quốc tế, Luật quốc tế, Quan hệ quốc tế. Các ngành Quản trị kinh doanh, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Ngôn ngữ Hàn có mức điểm trúng tuyển là 700. Còn lại, 23 ngành đào tạo có mức điểm trúng tuyển là 650.
Nhà trường cũng đã công bố điểm trúng tuyển của phương thức xét tuyển học bạ đợt 31/7. Theo đó, mức điểm trúng tuyển đợt này là 18 điểm với xét học bạ lớp 12 tổ hợp 3 môn và 30 điểm với xét học bạ 5 học kỳ.
Năm nay, trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM thực hiện 4 phương thức xét tuyển là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét theo kỳ thi đánh giá năng lực với thí sinh đạt 650 điểm trở lên, xét học bạ theo tổ hợp 3 môn lớp 12 và xét học bạ theo điểm trung bình 5 học kỳ đầu THPT. Tổng chỉ tiêu của trường tuyển là 3.495 với 29 ngành đào tạo đại học chính quy.
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã phê duyệt điểm trúng tuyển ĐH chính quy năm 2021 theo phương thức xét học bạ THPT.
Đối với chương trình đại trà, điểm chuẩn các ngành từ 18 đến 29,4 điểm. Trong đó, chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng có điểm trúng tuyển cao nhất 29,4 điểm; chuyên ngành quản trị logistics và vận tải đa phương thức 29,1 điểm.
Đặc biệt đối với chương trình chất lượng cao, điểm chuẩn các ngành từ 18 đến 28 điểm. Trong đó ngành khai thác vận tải (quản trị logistics và vận tải đa phương thức) có điểm trúng tuyển cao nhất
Thí sinh được công nhận trúng tuyển khi đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương theo quy định và đạt điều kiện về điểm xét tuyển (ĐXT) học bạ;
ĐXT học bạ = Tổng điểm trung bình môn học ở 5 học kỳ (HK1, HK2 lớp 10; HK1, HK2 lớp 11 và HK1 lớp 12) của 3 môn trong tổ hợp môn xét tuyển + điểm ưu tiên (nếu có);
Cụ thể: Thí sinh đạt điều kiện về ĐXT học bạ khi có ĐXT học bạ ≥ Điểm trúng tuyển tương ứng cho từng ngành/chuyên ngành theo nguyện vọng cao hơn đã đăng ký xét tuyển (nguyện vọng 1 là cao nhất);
Điểm ưu tiên theo quy định của Bộ GD&ĐT. Điểm trúng tuyển chung cho tất cả các tổ hợp môn có xét tuyển.
Trúc Chi (theo Zing, tuổi trẻ)