Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Trong đó, có nhiều quy định mới liên quan đến tuyển dụng, xếp loại, tác động mạnh mẽ liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức.
Hiện nay, việc tuyển dụng công chức được quy định cụ thể tại Luật Cán bộ, công chức, được hướng dẫn tại Nghị định 161/2018 và Thông tư 03/2019.
Theo đó, có 3 hình thức tuyển dụng công chức.
Hình thức thi tuyển: Với những người đủ 18 tuổi trở lên, có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, lý lịch rõ ràng, có văn bằng, chứng chỉ phù hợp, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ… thì được tham dự thi tuyển công chức.
Hình thức xét tuyển: Theo quy định của Luật Cán bộ công chức hiện đang có hiệu lực thì chỉ có 01 trường hợp được xét tuyển vào công chức là người có đủ điều kiện thi tuyển nhưng cam kết tình nguyện làm việc 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo… thì được xét tuyển vào công chức.
Tuy nhiên, tại Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 còn bổ sung thêm hình thức xét tuyển với các trường hợp:
- Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng
- Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương cử đi học.
Ngoài 2 hình thức tuyển dụng là thi tuyển và xét tuyển thì người đứng đầu cơ quan quản lý công chức còn có thể quyết định tiếp nhận người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí việc làm vào làm công chức theo quy định tại Thông tư 03/2019:
- Người có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên: Viên chức trong đơn vị sự nghiệp; Hưởng lương trong lực lượng vũ trang và làm công tác cơ yếu…
- Đã là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên sau đó được điều động, luân chuyển đến làm việc ở đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang, cơ yếu…
- Tiếp nhận công chức để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên.
Đồng thời, Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức sắp có hiệu lực cũng đề cập đến các trường hợp được tuyển dụng đặc biệt gồm:
- Viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập
- Cán bộ, công chức cấp xã
- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân; người làm công tác cơ yếu nhưng không phải là công chức…
Trong đó, các đối tượng này không trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc liên quan đến kỷ luật.
Có thể thấy, trước đây, các hình thức thi tuyển, xét tuyển hay tuyển dụng đặc biệt nêu trên chỉ được quy định tại các Thông tư 03/2019/TT-BNV, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP... mà chưa được luật hóa. Hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung này đã mở rộng “cánh cổng” bước chân vào công chức đối với nhiều người.
Mức lương khởi điểm của công chức mới được tuyển dụng
Mức lương cơ sở sẽ tăng thêm 110.000 đồng/tháng từ ngày 1/7/2020. Điều này đồng nghĩa với mức lương của công chức cũng tăng theo.
Theo đó, công chức được tuyển dụng mới cũng được tính lương theo công thức: Lương = Hệ số x mức lương cơ sở
Trong đó, mức lương cơ sở đến 30/6/2020 vẫn được áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng. Bắt đầu từ 1/7/2020 thì mức lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng.
Công chức mới tuyển dụng có lương khởi điểm tính theo hệ số nằm ở bậc 1 của bảng lương dành cho công chức nêu tại Nghị định số 204 năm 2004.
Như vậy, mức lương khởi điểm của công chức sẽ dao động từ 2,0115 đến 9,238 triệu đồng/tháng từ nay đến ngày 30/6/2020. Từ 2,16 đến 9,92 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2020 trở đi.
Hoàng Mai