Từ 1/7/2024, luật Căn cước có hiệu lực, thay thế cho luật Căn cước công dân. Thẻ căn cước công dân có tên gọi mới là thẻ căn cước. Nhiều quy định mới liên quan đến quy trình cấp, cấp đổi thẻ Căn cước cũng sẽ chính thức được áp dụng.
Độ tuổi cấp thẻ căn cước
Điều 19 Luật Căn cước quy định, người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam; công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.
Việc bổ sung quy định này là bảo đảm tính khả thi khi đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của con người như đối với vân tay thì sử dụng bộ thu nhận vân tay điện tử thay thế cho sử dụng mực lăn tay.
Việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh (hiện nay vẫn đang thực hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt) và các quy định pháp luật khác có liên quan, tương thích với pháp luật của nhiều nước trên thế giới.
Về độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước, Điều 21, Luật Căn cước quy định: công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước theo quy định tại khoản 1 điều này có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ tiếp theo.
Bổ sung thêm nhiều trường hợp cấp đổi thẻ căn cước cho người dân
Luật Căn cước công dân (đang có hiệu lực) quy định 6 trường hợp công dân được cấp đổi thẻ căn cước công dân.
Sáu trường hợp gồm: khi đến độ tuổi đổi thẻ (25, 40 và 60 tuổi); thẻ bị hư hỏng không sử dụng được; có thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên, đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; hoặc khi công dân có yêu cầu.
Tuy nhiên, theo quy định tại luật Căn cước, công dân được cấp đổi thẻ căn cước trong 7 trường hợp sau: đến tuổi đổi thẻ (14, 25, 40 và 60 tuổi); có thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh; có thay đổi nhân dạng, bổ sung thông tin ảnh khuôn mặt, vân tay, xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra là các trường hợp có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước; theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính; xác lập lại số định danh cá nhân; hoặc khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.
So với luật Căn cước công dân, luật Căn cước bổ sung thêm nhiều trường hợp cấp đổi thẻ căn cước cho người dân. Đáng chú ý là trường hợp cấp đổi khi có sự thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính.
Chính thức khai tử Chứng minh nhân dân từ ngày 1/1/2025
Đối với thẻ Căn cước công dân đang còn giá trị sử dụng thì người dân vẫn tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn hoặc có nhu cầu đổi sang thẻ Căn cước thì khoản 2 Điều 46 Luật Căn cước quyết định hạn chấm dứt sử dụng Giấy Chứng minh nhân dân.
Cụ thể, theo quy định trên thì người đã được cấp thẻ Căn cước công dân trước ngày 1/7/2024 thì không cần phải đổi sang thẻ Căn cước. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Giấy Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.
Giấy Chứng minh nhân dân chỉ được sử dụng đến hết 31/12/2024 dù còn hạn sử dụng hay đã hết hạn sử dụng, do đó, người dân chưa đổi sang thẻ Căn cước công dân thì cần phải thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân càng sớm càng tốt hoặc đợi đến ngày thẻ Căn cước được ban hành thì người dân có thể đổi sang thẻ Căn cước mới.
T.M