Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani hôm 22/2 thông báo đất nước ông đang chuẩn bị ký một thỏa thuận an ninh với Ukraine để giúp Kiev củng cố ngành công nghiệp quốc phòng và chống lại các mối đe dọa hỗn hợp như chiến tranh mạng trong bối cảnh xung đột với Nga sắp bước sang năm thứ 3.
Italy, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Nhóm 7 nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7), là quốc gia châu Âu tiếp theo sẽ ký thỏa thuận song phương như vậy với Ukraine, sau Anh, Đức, Pháp và Đan Mạch. Ngoài ra, Na Uy và Hà Lan cũng cho biết họ hy vọng sẽ sớm ký các thỏa thuận như vậy với quốc gia Đông Âu đang chìm trong xung đột.
“Chưa bao giờ việc nhấn mạnh ý chí để đảm bảo rằng David nhỏ bé có đủ nguồn lực để tự vệ trước Goliath lại quan trọng đến thế”, Ngoại trưởng Tajani nói với Quốc hội Italy, nhấn mạnh rằng việc giúp đỡ Kiev là rất quan trọng để đảm bảo một “nền hòa bình công bằng và lâu dài”.
Theo vị quan chức Italy, Rome đã phê duyệt 8 gói viện trợ quân sự cho Kiev kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine 2 năm trước.
Dự kiến, hiệp ước song phương Italy-Ukraine sẽ được hoàn tất trong những ngày tới. Theo thỏa thuận, Italy sẽ nhắc lại các cam kết hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, đồng thời cam kết hỗ trợ những nỗ lực của Kiev trong việc áp dụng những cải cách cần thiết để gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni sẽ chủ trì một cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo G7 để thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine vào ngày 24/2, nhân kỷ niệm 2 năm xung đột.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ tham gia cuộc họp. Các nguồn tin ngoại giao Italy cho biết, cuộc họp sẽ công bố một tuyên bố chung nhắc lại sự ủng hộ của G7 đối với Kiev.
Các thỏa thuận gần đây được ký với Pháp, Đức và Đan Mạch kéo dài 10 năm và bao gồm các cam kết cung cấp thêm vũ khí và huấn luyện binh lính.
Trong khuôn khổ các thỏa thuận, các quốc gia này cũng cam kết “bơm” thêm viện trợ quân sự cho Kiev trong bối cảnh Quân đội Ukraine gặp khó khăn trên tiền tuyến do thiếu hụt nhân lực và đạn dược. Cụ thể, Paris cam kết 3 tỷ Euro (3,24 tỷ USD), Berlin cam kết 1,1 tỷ Euro (1,2 tỷ USD), và Copenhagen cam kết 1,7 tỷ Krone Đan Mạch ( 247 triệu USD).
Trong trường hợp của Rome, Bộ trưởng Tajani không đưa ra chi tiết tài chính về thỏa thuận của nước này, nhưng đảm bảo rằng Italy cam kết hỗ trợ công cuộc tái thiết Ukraine “theo 2 giai đoạn: giai đoạn khi cuộc chiến vẫn đang diễn ra, và giai đoạn hậu chiến”.
Minh Đức (Theo Reuters, Kyiv Post, Kyiv Independent)