Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã góp thêm tiếng nói của mình vào lời kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) để làm cho cơ quan này trở nên “mang tính đại diện, minh bạch và hiệu quả hơn”.
Phát biểu tại sự kiện cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York hôm 21/9, bà Meloni kêu gọi thành lập một “hội đồng có thể đảm bảo sự phân bổ ghế theo địa lý công bằng hơn và điều đó cũng có thể tăng cường sự đại diện trong khu vực”.
Chỉ ra rằng UNSC hiện tại được thành lập vào một thế kỷ khác, dưới cái bóng của cuộc xung đột đã kết thúc 80 năm trước – Thế chiến II – bà Meloni cho rằng một cơ cấu được cải cách sẽ cho phép mọi người có cơ hội thể hiện giá trị của mình.
Nhiều nhà lãnh đạo thế giới tại phiên họp thứ 78 của Đại hội đồng LHQ cũng đã thúc đẩy cải cách UNSC, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky...
Vào ngày khai mạc (19/9), Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy những cải cách hết sức cần thiết đối với UNSC trong bối cảnh tình trạng bế tắc đang diễn ra khiến cơ quan này không thể thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi của mình.
“Chúng ta cần nhiều tiếng nói hơn, nhiều góc nhìn hơn tại bàn đàm phán. LHQ phải tiếp tục gìn giữ hòa bình, ngăn chặn xung đột và giảm bớt đau khổ cho con người”, nhà lãnh đạo Mỹ nói.
Phát biểu tại trụ sở chính của LHQ ở New York, Tổng thống Mỹ khẳng định rằng đất nước ông đang tham gia vào các cuộc tham vấn thực chất về cải tổ UNSC và vẫn cam kết thực hiện vai trò của mình.
Nhắc lại tuyên bố trước đó của mình, ông Biden cho biết, Mỹ cam kết hỗ trợ mở rộng UNSC bằng cách tăng số lượng thành viên thường trực và không thường trực. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải cập nhật các thể chế quốc tế để giải quyết hiệu quả các thách thức ngày nay.
Hôm 20/9, tại phiên họp của UNSC trong khuôn khổ Đại hội đồng LHQ lần thứ 78, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề xuất một số “biện pháp cụ thể” nhằm hạn chế quyền lực của Nga trong tổ chức này với tư cách là thành viên thường trực.
Ông Zelensky đề xuất rằng, do khó khăn trong việc cải tổ cơ cấu của các cơ quan LHQ, quyền phủ quyết sẽ bị phá vỡ theo cách sau: mỗi khi một quốc gia áp dụng quyền phủ quyết, vấn đề sẽ được đưa ra Đại hội đồng, gồm tất cả 193 quốc gia thành viên, để bỏ phiếu. Quyền phủ quyết sẽ bị bác bỏ bởi 2/3 số phiếu bầu tán thành điều đó.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Ukraine còn đề xuất rằng một quốc gia sẽ bị đình chỉ tham gia UNSC trong một thời gian “khi quốc gia đó có hành động gây hấn chống lại một quốc gia khác, vi phạm Hiến chương LHQ”.
Đáp lại những bình luận nhắm vào Nga, Ngoại trưởng Sergey Lavrov lập luận: “Quyền phủ quyết là một công cụ hợp pháp được thiết lập trong Hiến chương LHQ nhằm ngăn chặn việc thông qua các quyết định có thể gây chia rẽ tổ chức”.
Minh Đức (Theo Anadolu Agency, DD News, EFE/La Prensa Latina)