Khi chúng tôi về đến đầu xã Yên Lư, Yên Dũng hỏi về trường hợp chị Nguyễn Thị Sợi (SN 1976), hai mẹ con sản phụ bị tử vong cách đây gần một năm tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, người dân ai cũng biết. Họ còn tận tình chỉ đường về tận nhà và giấu đi tiếng thở dài thương cảm.
Một người phụ nữ trung niên buồn bã nói: “Không hiểu sao ở cái thời đại khoa học tân tiến như bây giờ còn xảy ra sự việc đau lòng như vậy, cả hai mẹ con đều tử vong khi đến sinh ở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh”.
Anh Nguyễn Văn Duy (SN 1976), chồng chị Sợi đang làm thợ xây cho một gia đình cùng xóm Bùi Bến. Lúc chúng tôi đến, cũng là lúc anh vừa nghỉ làm chuẩn bị trở về nhà cách nơi làm vài trăm mét. Ngôi nhà mặt đường liên thôn khá khang trang nhưng đìu hiu, vắng vẻ.
Sau khi rót nước mời khách, người đàn ông khắc khổ lặng người đi một lúc. Nhắc đến chuyện vợ và đứa con xấu số của mình, anh chậm rãi nói: “Hai vợ chồng tôi đều đi lao động ở Ma Cao. Đầu năm 2015, vợ tôi có bầu bên đó, lần nào đi siêu âm, kiểm tra kết quả cũng đều bình thường, tốt đẹp. Thai được 7 tháng thì vợ tôi về nước chuẩn bị sinh để gần gia đình bên nội, ngoại, thuận lợi cho việc chăm sóc hai mẹ con. Nếu biết trước thì tôi đã để vợ mình sinh bên đó rồi”.
Anh cho biết, khi xảy ra sự việc vợ con tử vong, anh lập tức mua vé máy bay trở về nhà và nghe mọi người trong gia đình thuật lại toàn bộ câu chuyện. Vào ngày 15/10/2015, chị Sợi nhập viện chờ sinh trong tình trạng sức khỏe ổn định. Khoảng 11h trưa, chị vẫn ăn được 2 bát cơm và nói chuyện với mọi người. Trước đó, chị cũng thường xuyên đến thăm khám tại bệnh viện, lần nào cũng được các bác sỹ thăm khám chẩn đoán sức khỏe tốt, thai nhi phát triển bình thường.
Đến khoảng 12h cùng ngày, bác sỹ gọi chị sang phòng sinh để truyền dịch và làm các công tác chuẩn bị sinh. Tuy nhiên khoảng 2 tiếng sau, bệnh viện thông báo đang trong tình trạng nguy kịch cần tiếp máu, nhưng máu dự trữ của bệnh viện đã hết, không có máu thích hợp nên người nhà lần lượt làm xét nghiệm để tìm nhóm máu thích hợp để truyền.
Cũng theo lời kể của mọi người thì lúc đó các bác sĩ cho sản phụ thở oxy, nhịp tim hiển thị trên màn hình vi tính đã thẳng tắp. Sau đó, các bác sĩ thông báo, bệnh nhân Sợi tim ngừng đập một lúc dẫn đến thai nhi tử vong, bệnh viện đã cố gắng hết sức nên bệnh nhân Sợi tim đã đập trở lại.
Đến 19h cùng ngày, các bác sĩ cho biết, sản phụ đã rất nguy kịch chỉ có thể duy trì sự sống trong 30 phút nữa và yêu cầu gia đình viết giấy xin xe của bệnh viện đưa về. Khi gia đình chưa kịp làm thủ tục thì bác sĩ thông báo sản phụ đã tử vong, đồng thời bệnh viện cũng cử một y tá đi cùng bóp bình oxy. Gia đình rất bức xúc và yêu cầu y tá dừng cái việc vô ích đó lại.
Sau những việc làm bất thường của bệnh viện Đa khoa Sản – Nhi Bắc Giang, gia đình đã làm đơn gửi công an thành phố Bắc Giang để làm rõ cái chết của sản phụ và thai nhi.
Sáng ngày hôm sau Viện kỹ thuật hình sự của Bộ Công an đã tiến hành các thủ tục khám nghiệm pháp y. Khi theo dõi khám nghiệm pháp y người trong gia đình chứng kiến: Bên ngoài cơ thể có nhiều vết tím ở mu bàn tay, đùi , móng tay thâm tím, gẫy 4 sương sườn, thai nhi đã quay đầu, nặng khoảng gần 4kg, đầy đủ các bộ phận không có dị tật.
Anh Duy đau xót nói: “Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao gia đình nhiều lần đề nghị được sinh mổ nhưng các bác sĩ ở đây không thực hiện. Sau khi có vấn đề các bác sĩ cũng không tiến hành mổ để lấy thai nhi ra mà để hai mẹ con cùng chết chung như thế. Dù còn một hi vọng cũng phải cứu lấy thai nhi chứ…”.
Qua câu chuyện được biết, vợ chồng anh Duy lấy nhau năm 1994, sinh được 2 cô con gái. Cô con gái lớn hiện đang học năm 3 một trường đại học ở Hà Nội, cô con gái thứ 2 sau khi mẹ mất cũng nghỉ học đi làm công ty, phụ giúp gia đình.
Bà Phạm Thị Chung (70 tuổi) mẹ đẻ anh Duy ngồi lặng người liên tục lấy tay lau nước mắt lăn dài trên má: “Con dâu tôi nó khoẻ mạnh bình thường sao mà lại chết dễ dàng như thế được. Sang tháng là giỗ đầu mẹ con nó đấy các chú ạ. Sao ông trời lại bắt con trai tôi rơi vào cảnh gà trống nuôi con, cực khổ thế này hả ông trời”.
Anh Duy cho biết, sau đó khoảng hơn 1 tháng, lãnh đạo bệnh viện đã cho mời gia đình anh lên UBND xã để làm việc. Còn từ đó đến nay anh và gia đình vẫn mỏi mòn chờ câu trả lời thoả đáng từ cơ quan chức năng cũng như từ phía lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi về cái chết đầy uẩn ức của vợ con anh.
Liên quan đến vụ việc này, ông Lê Công Tước – Phó giám đốc bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết: “Sản phụ Sợi mới chuyển dạ, đau bụng đã xảy ra tai biến tắc mạch ối, đó là do bệnh tật, bất khả kháng. Sau khi xảy ra sự việc gia đình đã mời Viện khoa học hình sự Bộ Công an về tiến hành mổ pháp y và mang mẫu đi giám định. Sau đó, cũng kết luận nguyên nhân tử vong do tắc mạch ối nên gia đình cũng đã không có ý kiến khi biêt rõ nguyên nhân”.
Về lý do gia đình bệnh nhân có nguyện vọng sinh mổ nhưng bệnh viện lại không thực hiện, ông Tước cho biết: “Khi các sản phụ đến bệnh viện sinh, các kết quả kiểm tra bình thường thì các y bác để sinh thường sẽ tốt hơn. Chỉ khi nào xảy ra dấu hiệu bất thường, nguy cơ lúc đó bác sỹ mới quyết định mổ”.
Trong kết luận 161/KL-SYT ngày 9/2/2015, Giám đốc Sở Y tế đã yêu cầu Giám đốc bệnh viện Sản Nhi nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh ngiệm, nhờ chính quyền địa phương chuyển giấy mời làm việc trong mọi trường hợp liên quan để tránh những hiểu lầm có thể xảy ra.
Vụ sản phụ Nguyễn Thị Sợi tử vong, giải thích lý do lãnh đạo bệnh viện mời gia đình anh Nguyễn Văn Duy lên UBND xã Yên Lư làm việc, ông Lê Công Tước cho biết: “Làm việc tại UBND để đảm bảo an toàn, người ta không hiểu, người ta hành hung thì sao”.
Đào Sơn