Sở GTVT TP.HCM cho hay đã thống nhất đề xuất lắp đặt biển cấm dừng và đỗ xe trên đường Phạm Thế Hiển (đoạn từ cầu Chánh Hưng đến đường Dương Quang Đông), quận 8 nhằm hạn chế ùn ứ giao thông trong khu vực xung quanh theo như đề xuất của Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ.
Cụ thể, đường Phạm Thế Hiển (đoạn từ cầu Chánh Hưng đến đường Dương Quang Đông), quận 8: Cấm dừng xe và đỗ xe theo hai hướng lưu thông, thời gian từ 6h đến 8h và từ 16h đến 18h.
Cấm đỗ xe theo hai hướng lưu thông, thời gian từ 8h đến 16h và từ 18h đến 22h.
Thời gian thực hiện bắt đầu kể từ ngày 12/11.
Sở GTVT giao Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ có trách nhiệm triển khai thực hiện việc lắp đặt biển báo, treo băng rôn thông báo thời gian thực hiện trước bảy ngày nhằm đảm bảo thông tin đến được với người dân cũng như các lực lượng có chức năng.
Theo dõi tình hình giao thông khu vực sau khi thực hiện điều chỉnh nêu trên, kịp thời báo cáo về sở GTVT những bất cập về tình hình giao thông khu vực (nếu có) để được xem xét giải quyết.
Trước đó, vào hồi tháng 3/2020, sở GTVT TP.HCM đã ban hành văn bản về việc hạn chế dừng, đỗ trên 37 tuyến đường thường xuyên có tình trạng đón, trả khách của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô gây mất trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn TP.
Đường Tân Hưng đoạn từ Dương Tử Giang đến Thuận Kiều, quận 5 (bề rộng mặt đường 7 m): Điều chỉnh từ cấm đỗ xe thành cấm dừng xe và đỗ xe đối với xe khách và cấm đỗ xe đối với xe ô tô con và xe tải.
Đường Phó Cơ Điều đoạn từ Phạm Hữu Chí đến Nguyễn Chí Thanh, quận 5 (bề rộng mặt đường 7 m): Điều chỉnh từ cấm đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ thành cấm dừng xe và đỗ xe đối với xe khách và cấm đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ đối với ô tô con và xe tải.
Đường Phạm Hữu Chí đoạn từ đường Thuận Kiều đến đường Triệu Quang Phục, quận 5 (bề rộng mặt đường 5 m): Điều chỉnh từ cấm đỗ xe từ 6h đến 22h thành cấm dừng xe và đỗ xe đối với xe khách và cấm đỗ xe từ 6h đến 22h đối với ô tô con và xe tải.
Đường Tân Thành đoạn từ đường Đỗ Ngọc Thạnh đến đường Thuận Kiều, quận 5 (bề rộng mặt đường 8 m): Điều chỉnh từ cấm đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ thành cấm dừng xe và đỗ xe đối với xe khách và cấm đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ đối với ô tô con và xe tải.
Đường Bàu Cát 4 đoạn từ đường Đồng Đen đến đường Nguyễn Hồng Đào, quận Tân Bình (bề rộng mặt đường 6 m): Tổ chức cấm dừng xe và đỗ xe đối với xe khách.
Đường Ni Sư Huỳnh Liên đoạn từ đường Thái Thị Nhạn đến đường Bùi Thế Mỹ, quận Tân Bình (bề rộng mặt đường 6 m): Tổ chức cấm dừng xe và đỗ xe đối với xe khách.
Dừng đỗ tại nơi cấm dừng và đỗ xe bị phạt như thế nào?
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ. Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
Mọi người dân khi tham gia giao thông trên đường bộ đều phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ trong đó phải chấp hành quy định của biển báo hiệu. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định mức phạt đối với người điều khiển phương tiện dừng xe, đỗ xe tại nơi cấm dừng và đỗ xe như sau:
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô.
Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô.
Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng.
Hoàng Mai