Tàn sát rừng đặc dụng
Vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại 2 tiểu khu 198 và 204 thuộc VQG Vũ Quang.
Theo thông tin VietNamNet có được, vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng được VQG Vũ Quang phát giác vào cuối năm 2012.
Số lượng gỗ Pơ Mu (thuộc nhóm 2A) cổ thụ bị chặt hạ trên diện tích 50 héc ta rừng.
Hàng trăm m3 gỗ Pơ Mu tại rừng đặc dụng – VQG Vũ Quang đã bị lâm tặc triệt hạ
Đến thời điểm này vẫn chưa có số liệu chính thức về số lượng gỗ bị chặt hạ.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của VietNamNet, lực lượng chức năng đã kiểm đếm được trên 500 gốc cây với số lượng gỗ bị chặt khoảng 600 đến 700m3.
“Số lượng gỗ thiệt hại khoảng trên 600m3 nhưng số gỗ đã được vận chuyển ra, có thể đưa ra được chỉ có khoảng gần 70m3”, một nguồn tin cho hay.
Trước sự việc nghiêm trọng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc để kiểm tra.
Đích thân ông Lê Đình Sơn, PCT UBND tỉnh cũng đã dẫn đầu đoàn cán bộ vào rừng.
Tuy nhiên, đến nay, số liệu chính thức về vụ phá rừng này vẫn chưa được công khai.
Gỗ bị tàn phá trên diện tích 50ha, khu vực giáp biên giới Việt – Lào. Hiện trường vẫn đang được VQG Vũ Quang bảo vệ nghiêm ngặt
"Số liệu cụ thể thì đã có, nhưng để chờ thống nhất số liệu báo cáo thường trực Tỉnh ủy rồi sẽ cung cấp", ông Lê Đình Sơn trả lời VietNamNet chiều ngày 31/3.
Ông Sơn cũng cho biết, quan điểm của UBND tỉnh sẽ xử lý nghiêm túc, khách quan.
Trách nhiệm UBND tỉnh?
Vụ việc nghiêm trọng trên vẫn đang được làm rõ, xử lý. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là trong những năm vừa qua, rừng đầu nguồn tại Hà Tĩnh liên tục bị tàn phá một cách nghiêm trọng.
Đặc biệt, trong năm ngoái, vụ phá rừng biên giới ở xã Sơn Hồng cũng đã gây thiệt hại rừng chưa từng có.
Ông Lê Đình Sơn – PCT tỉnh kiểm tra tình hình rừng bị tàn phá. Vụ phá rừng này bị phát giác khi vụ án phá rừng Sơn Hồng vẫn chưa đưa ra xét xử
Hơn 500m3 gỗ tại xã Sơn Hồng bị lâm tặc chặt phá, đã có 12 đối tượng (trong đó có rất nhiều cán bộ) đã bị khởi tố, lãnh án, nhiều lãnh đạo chính quyền địa phương, cơ quan chức năng bị kỷ luật, bị “đề nghị” nhận mức kỷ luật.
Và trong lúc vụ án phá rừng biên giới chưa được đưa ra xét xử thì đã xảy ra thêm vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng ở Vườn QG Vũ Quang (12/2012).
Đáng chú ý hơn, khu vực xảy ra phá rừng nghiêm trọng lần này trực thuộc UBND tỉnh quản lý.
Và liên quan đến vụ phá rừng lần này, hiện đã có 8 cán bộ kiểm lâm VGQ Vũ Quang liên quan đã bị kỷ luật, trong lúc vụ việc chưa kết thúc.
Điều dư luận quan tâm là trách nhiệm của UBND tỉnh Hà Tĩnh ở đâu trong vấn nạn rừng bị tàn phá liên tục?
"Chúng tôi vẫn đang tiến hành kiểm điểm để xác định trách nhiệm cá nhân nào liên quan. Công việc sẽ được tiến hành nghiêm túc" - Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình trả lời VietNamNet, sau khi phóng viên chuyển tải những thông điệp từ dư luận.
Ông Bình khẳng định thêm, "việc kiểm điểm phải được tiến hành từng bước và có cả quá trình, không thể làm trong ngày một ngày hai".
Quy trách nhiệm Để bảo vệ tài nguyên rừng quý giá trước nạn chặt phá diễn ra nghiêm trọng trong nhiều năm qua, nhà nước ta đã ban hành rất nhiều văn bản, từ Luật bảo vệ phát triển rừng 2004 cho đến Nghị định 23/2006 của Chính phủ. Đặc biệt là Chỉ thị số 08/2007 của Thủ tướng Phan Văn Khải về việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương khi để xảy ra phá rừng nghiêm trọng: "Các cấp chính quyền cơ sở (xã, huyện) phải chịu trách nhiệm trước UBND cấp trên trực tiếp về tài nguyên rừng trên địa bàn. Kể từ khi triển khai chỉ thị này, nếu còn để xảy ra tình trạng lâm tặc khai phá rừng, đốt rừng trái phép trên địa bàn xã, huyện nào thì Chủ tịch UBND xã, huyện đó phải kiểm điểm trước cấp uỷ Đảng và bị xử lý kỷ luật về trách nhiệm quản lý rừng. Những tỉnh để xảy ra chặt phá rừng trái phép, cháy rừng nghiêm trọng thì Chủ tịch UBND tỉnh phải kiểm điểm trước cấp Uỷ và báo cáo Thủ tướng, đề xuất hình thức kỷ luật về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với rừng và đất lâm nghiệp". |
Theo Vietnamnet