Theo chân "đại gia" đến trung tâm đồ cổ

Theo chân "đại gia" đến trung tâm đồ cổ

Thứ 5, 27/12/2012 23:48

Một ngày như đã hẹn, tôi theo ông Nguyễn Tường Long về Hải Hậu (Nam Định) săn tìm đồ cổ, ở đó nhà chơi sập gụ, tủ chè, đồ cổ quý nhiều thứ giá không dưới 1 tỷ đồng. Nơi đây từ nông dân đến trí thức đều có máu mê đồ cổ và đã hình thành mạng lưới chân rết đồng nát săn lùng cổ vật khắp Bắc Trung Nam.

Cả huyện Hải Hậu, bấm đốt ngón tay thống kê có cỡ 50 người buôn bán cổ vật chuyên nghiệp, hàng trăm, hàng ngàn người chơi nghiệp dư. Nghe tin nhà nào có đồ gì quý là ông Long tìm đến xem bằng được. Dưới những mái nhà bình dị, dân dã ẩn chứa nhiều đồ cổ quý như bộ tam khẩu bình của anh Trần Văn Lưu, giá sơ sơ trên 1 tỷ; bộ ghế khánh của anh Trần Văn Sơn nếu khách trả 1 tỷ đồng đừng mong "bứng" về. Vượt trội lên tất cả là cái đĩa Huế tích "Khánh xuân thị tả" của anh Kim ở Hải Minh được giới chơi định giá tới gần 2 tỷ đồng.

Sự kiện - Theo chân 'đại gia' đến trung tâm đồ cổ

Cuốn thư và lộ bộ bát bửu gần 200 năm tuổi

Xuất xứ của chiếc đĩa "Khánh xuân thị tả" khá độc đáo. Theo nhà biên khảo Bùi Ngọc Tuấn, thời chúa Trịnh Sâm có đặt người Tàu làm nhiều đồ sứ dưới đáy có ghi rõ từng kiểu Nội phủ thị trung, Nội phủ thị bắc, Nội phủ thị tả, Nội phủ thị hữu, Nội phủ thị đoài, Khánh xuân thị tả.... Từ màu men đến hoa văn đều xứng là đồ ngự dụng. Khi uy quyền lên tột đỉnh, Trịnh Sâm không hài lòng với chức chúa, mà muốn soán ngôi nhà Lê nên dệt ước mơ đó lên những hình vẽ trên đĩa như rồng có năm móng, biểu tượng độc quyền của đế vương.

Đến xã Hải Ninh nhiều người còn truyền nhau một câu chuyện mà đến nay nó đã thành phổ biến. Chuyện rằng, ông Vũ Duy Xán ở xã Hải Ninh nhiều năm trước bán chiếc bình cũ với giá 1 chỉ vàng. Cũng chiếc bình ấy, người mua sang tay cho thợ buôn ở Hà Nội giá 350 cây vàng khiến cả huyện bàng hoàng tiếc. Đến nay, ông Xán có "hiệu đính" câu chuyện của mình: "Trước tôi là trưởng phòng muối của huyện Hải Hậu. Một bận đến nhà anh Quân kế toán HTX Tiến Thắng ở xã Hải Chính chơi thấy cái bình đựng muối để trong bếp trông hay hay. Hỏi mới biết anh mang nó về từ Thái Nguyên, đi tàu xe xóc vỡ mất cả nắp. Tôi gạ mua, anh ấy nể nhưng chẳng biết giá bao nhiêu nên bảo bác cho em hai cân thịt mông sấn, tức tương đương 20.000 đồng thời ấy".

Ông Xán mua về cũng không biết đó là đồ cổ nên chỉ cất trong tủ để đựng đường. Một ngày nọ có bốn người đàn ông vào nhà ông Xán hỏi mua chiếc tủ nhưng cứ săm soi cái bình rồi ra về. Ngày hôm sau, một anh tự xưng tên Bỉnh con ông Bang ở xã Hải Phong đến hỏi mua bình ông Xán cũng không bán. Sau đó, ông Xán nhận được thư tay của ông Bang (vốn là người bạn cũ) viết đại ý muốn mua chiếc bình ấy để tặng quà cảm ơn cấp trên vì đã nhận con trai (ông bạn-PV) vào biên chế. Nể bạn, ông Xán bán cái bình ấy với giá

1 chỉ vàng. Không ngờ, Bỉnh là quân xanh của bốn người đàn ông lạ mặt vốn là thợ săn đồ cổ chính hiệu ở Nam Định và bán lại cho họ với giá 6 chỉ vàng. Lên đến đất Hà Nội, giá chiếc bình quý đã vọt lên tới 13,7 cây vàng chứ không phải 350 cây vàng như dân đồn.

Nghe những câu chuyện tại Hải Hậu, tôi vẫn bán tín, bán nghi, ông Long giải thích: "Săn đồ cổ phải có duyên, có khi mình nghe nói ở đâu đó có đồ quý nhưng đến xem thì nó không quý như mình tưởng. Hoặc có đồ quý thật nhưng chủ nhân nhất định không bán. Chính vì lẽ đó, những tay săn đồ cổ ở Hải Hậu thường biến mình thành "đồng nát, ve chai" để tìm kiếm, nhòm ngó khắp xó xỉnh làng quê mong tìm thấy đồ cổ". May mắn ấy đã trúng với anh Đỗ Văn Thiện người xã Hải Minh đã mua được chiếc bát Thiệu Trị nên chế (chế tác từ thời vua Thiệu Trị) tại nhà một bà lão ở Tiền Hải (Thái Bình). Cái bát đang được đựng cá kho, anh Thiện hỏi mua, bà lão nói giá bâng quơ 1 chỉ vàng. Anh Thiện tháo chiếc nhẫn 1 chỉ vàng trả cho bà lão rồi ôm cái bát chạy thẳng, về đến nhà đã có khách đến mua trả 1,2 cây vàng nhưng anh không bán.

Đến xã Hải Minh, ông Long giới thiệu đó là "thủ phủ trung tâm" của của đồ cổ. Ở đây, đồ cổ là một nghề mà nhiều người trưởng thành nên thầy, nên thợ từ nghiệp đồng nát. Và những câu chuyện người này mua được cổ vật với giá "đồng nát" về bán lãi cả trăm triệu đồng như một ma lực cuốn hút nhiều người dân Hải Minh quẩy quả lên đường tham gia đội quân "đồng nát quý tộc".

Mặc dù chuyến đi của ông Nguyễn Tường Long đến trung tâm đồ cổ của Nam Định chẳng thu được kết quả gì. Ra về tay trắng thì không thể nói là vui, nhưng ông Long vẫn hể hả vỗ vai tôi: "Nhà báo vui chứ. Ghi nhận được quá nhiều chuyện thú vị rồi nhỉ. Như lần này đi tôi không mua được cái đĩa "Khánh xuân tả thị" thì cũng được ngắm mãn nhãn. Nghề chơi là vậy đó, đã gọi là "đi săn" thì khi được, khi không, quan trọng là đừng có nản". Chợt tôi nghĩ đến "kho" đồ cổ của ông, để có nó, chắc chắn ông phải có nhiều chuyến đi như thế.

Đồng nát "quý tộc"

Đồng nát Hải Minh là đồng nát xuyên quốc gia, dọc ngang khắp Bắc - Trung - Nam với những bang hội đông đảo, mạnh nhất là hội của dân xóm 9 với hàng trăm người. Khác với đồng nát "lông gà, lông vịt", họ là đồng nát cao cấp, đồng nát "quý tộc" với con mắt tinh tường, chuyên săm soi đồ cổ.

Hà Lan


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.