Đẳng cấp là lan núi, rừng "xịn"
Đại gia xây dựng, tên Hướng, tâm sự: "Ăn, uống bây giờ ngày nào cũng như Tết. Chú trọng vào chuyện ăn cũng tốt nhưng, chỉ như thế thì tầm thường quá. Đẳng cấp của đại gia phải là cây, hoa cảnh "xịn" ở phòng khách ngày Tết. Năm ngoái, tôi mua 2 chậu địa lan, đẹp mê hồn (mọi người đến chơi, khen như vậy - PV). Một chậu màâu xanh ngọc, cánh rất dày, nhìn long lanh như hoa giả. Chậu thứ hai màu nâu đất, đúng tên địa lan, cánh hoa cũng rất dày. Người đến chơi khẳng định là hoa giả, hỏi vợ tôi mua ở phố nào, để mua... nhưng đó là hoa thật 100%, được chuyển từ Đà Lạt ra bằng đường máy bay. Giá 2 chậu địa lan đó là 97 triệu đồng. Năm nay, tôi vẫn chơi Tết hoa lan nhưng là lan rừng núi "xịn" 100%. Giá 2 chậu lan rừng "xịn" ấy tổng cộng chỉ 90 triệu đồng nhưng nếu đem bán ngoài thị trường, chắc hẳn, không có giá đó. Vì nó là hàng "không đụng hàng" với bất cứ ai, trừ các nhà nghiên cứu đã có ảnh và tiếp xúc được với nó do công việc".
Đại gia đi chọn cây cảnh.
Nói chuyện lai rai, cuối cùng đại gia Hướng cũng tiết lộ chuyện "bỏ phố, lên rừng" tìm hoa lan "độc". Theo đại gia Hướng thì, đây là một "hành trình vất vả". Đại gia phải đi để "mục sở thị" bằng được cái nét đẹp đến mê hồn người của lan thanh đạm. "Nghe cái tên thôi, tôi đã mê mẩn rồi. Sau đó, nhìn hoa qua hình, trong tôi lại càng thôi thúc chuyện phải sở hữu bằng được loài hoa này", đại gia Hướng bộc bạch. Với đại gia Hướng, hoa lan thanh đạm còn có ý nghĩa riêng. Đại gia xem phong thủy, thấy "thầy" phán rằng, mệnh rất hợp với loài hoa này, nhất là màu của nó. Sở hữu được nó, gia đình đại gia sẽ được bình an, làm ăn phát đạt. Nghe "thầy" phán vậy, đại gia Hướng phải tận tâm, tận lực đi "săn" bằng được.
Đại gia Hướng là dân xây dựng, có nhiều năm lăn lộn ở những vùng núi miền Bắc nên khá am hiểu địa chất ở trên đó. Ông biết, vùng nào có thể có hoa lan rừng, lan núi đẹp nên ông đã "bắt mối" bằng được với người chuyên đi rừng ở các khu vực rừng có nhiều hoa lan đẹp. Khi nhận được cái gật đầu, ông đã lẳng lặng xách ba lô cùng với ô tô lên đường. Ông cẩn thận, mang theo cả ảnh loài hoa mình thích để đối chiếu. Chúng tôi tò mò nhưng đại gia Hướng nhất định không bật mí quá trình "săn" lan thanh đạm ở vùng rừng nào tại miền Bắc. Ông Hướng chỉ khẳng định, đó là gốc lan thanh đạm "xịn", nó đẹp và quyến rũ vô cùng. Ông đã phải chi hơn 1 cây vàng mới sở hữu được nó.
Người giúp ông tìm ra gốc lan đó là người dân tộc thiểu số, có 20 năm kinh nghiệm đi rừng. Người này đã tìm thấy hoa lan thanh đạm nhưng chưa mang về nhà mà "đánh dấu" ở trong rừng, để Tết bán. Người đi rừng bản địa này, dẫn đại gia Hướng đi một mạch, băng qua vài con suối, vào sâu trong rừng rậm. Theo người đi rừng này thì "bình minh" của khu rừng là 10h sáng và 2h chiều đã là tối của rừng. Đại gia Hướng kể: "Tôi hoảng sợ vì mình bị dẫn vào sâu trong rừng nhưng rất tin tưởng người bạn đồng hành. Sau gần 1 ngày rưỡi đi rừng (chỉ nghỉ uống nước và ăn - PV), tôi đã có được chậu lan thanh đạm như ý. Tôi đã thưởng "ngoài hợp đồng" cho người bán này 5 triệu đồng. Anh ta cảm ơn rối rít".
Cũng theo đại gia Hướng thì, những loại lan "không đụng hàng" ông "săn" để chơi ngày Tết thường ở trong rừng sâu. Có loài thì mọc ở trên những mỏm đá cao nhất của núi đá. Loại lan nhất điểm hồng thì chỉ mọc trên thân cây cổ thụ đã bị mục. Tất cả những loại lan rừng này chịu lạnh, chịu được độ ẩm cao trong không khí nên "khinh thường" cái rét buốt của thời tiết thành phố.
Lan nhẵn diệp đen đỏ rất được đại gia yêu thích.
Đào thế rừng mới là hàng "độc"
Ông Hoàng Văn Tân, một người trồng đào lâu năm ở làng đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội), giờ đã giải nghệ, kể: Bích đào thế, đều do con người tạo ra từ những cây đào trồng, ghép hoặc gốc đào có sẵn. Đào rừng thế luôn là hàng "độc" của giới biết chơi đào Tết và của người giàu trong vài năm qua. Ông Tân phân tích: Nó "độc" bởi sự tự nhiên, không pha tạp ý thức chủ quan của con người vào. Bích đào thế, người mua muốn thế theo kiểu cách gì, có thể đặt trước từ giữa năm là cho thế đó. Còn đào rừng, muốn tìm được thế như ý là không dễ, phải gặp được cây đào cổ thụ thì may ra mới có. Đào rừng, muốn thế, phần lớn chỉ cành, cả cây thì hiếm nên mới gọi là hàng "độc".
Thấy chúng tôi cười, ông Tân hiểu ý, liền nói: "Đó là đào thế rừng trồng ở cạnh vườn rừng đấy. Cũng do con người tạo thế hết, không phải đào thế rừng "xịn" đâu. Muốn "săn" được đào thế rừng "xịn", được như ý muốn, từ 2-5 tuổi, đại gia phải bỏ ra khoảng 50 - 60 triệu mới sở hữu được nó. Tức là mỗi một tuổi của cây đào rừng, tương đương với 10 triệu đồng. Song, theo ông Tân, có những năm, có đại gia muốn chi 20 triệu đồng/năm cho 1 tuổi đào thế rừng "xịn" cũng không có để mà mua".
Đem câu chuyện ông Tân kể, tôi hỏi đại gia bất động sản Hà thành, tên Đức Thanh. Tôi nhận được cái gật đầu, xác nhận của vị đại gia này. Đại gia Thanh thừa nhận: "10 năm nay, ngày Tết, trong phòng khách nhà tôi đều có đào rừng thế "xịn". Tôi chơi đào rừng thế từ cái thời mà nhà giàu chê tôi như thể là dân quê, là "địa chủ". Thú thật, tôi thích, vì nó "độc". Đến bây giờ, những người chê tôi quê đã thấy cách chơi của tôi nó đẳng cấp thế nào? Đào thế rừng "xịn" nó khác hoàn toàn với bích đào. Cái thế của nó cũng tự nhiên nhưng kiểu cây cối, con vật trong rừng phải đấu tranh để sinh tồn ấy. Năm đầu tiên tôi chơi đào thế rừng, chỉ hết mấy trăm ngàn, gọi là tiền thuốc nước và vận chuyển. Càng những năm sau này, giá càng đắt. Người miền núi thấy cái lợi của đào rừng thế nên người ta cũng giữ gìn lắm. Cứ gần Tết là có người đến nhận cây đào, ai tự nhiên đến đốn đào rừng là bị đuổi đánh. Người miền núi cũng biết làm lều để trông đào, bán đào cũng mặc cả như người miền xuôi. Còn đào thế, họ cũng ra giá ghê lắm. Năm nay, cây đào thế của tôi cũng giá trị bằng 6-7 chỉ vàng đấy".
Theo kinh nghiệm chơi đào rừng của đại gia Thanh, thì đào rừng thế ở khu vực vùng núi, phía Bắc, "độc" nhất là Lào Cai, Lạng Sơn và Cao Bằng. Cao Bằng không nhiều đào nhưng đã tìm được cây đào thế nào thì trên cả "ổn áp". Cây vừa mộc, mốc, cánh hoa rất dày, màu sắc tươi tắn. Cánh hoa đào ở Cao Bằng, Lào Cai là dày nhất vùng núi phía Bắc, vì ở đó thời tiết lạnh nhiều hơn các vùng khác.
Với giá tiền và sự công phu chọn mua như thế, cộng với thời kinh tế khủng hoảng như hiện nay, không phải đại gia nào cũng dám chi những khoản tiền lớn để sở hữu lan rừng "không đụng hàng" và đào thế rừng "xịn", "độc". Thế nhưng, nhiều đại gia lại chuyển sang săn lùng những cây hoa "độc" khác, rẻ tiền hơn. Đó là hoa dứa (quả dứa ăn - PV) trái mùa, hoa dong riềng rừng, hoa xương rồng, hoa mộc miên... "Những loại hoa này không phổ biến và rất ít người dùng để bày trong phòng khách ngày Tết. Vì cái gọi là đẳng cấp hay "không đụng hàng" nên nhiều đại gia ít tiền hoặc đã bị "xuống hạng" "săn" hoa rẻ tiền nhưng cũng "độc" để thể hiện mình và vớt vát lại cái gọi là đẳng cấp. Song, chẳng bao giờ lấy lại được điều đó. Những loài hoa trên cũng rất đẹp. Nó không có tội, chỉ tội cho người sở hữu nó không đúng với hoàn cảnh, mà thôi", đại gia Thanh than thở về cái kiểu chơi cây cảnh "độc địa" của một số đại gia đã hết thời.
Tiến sỹ xã hội học Trịnh Hòa Bình, cười phá lên khi chúng tôi hỏi về cách chơi hoa ngày Tết đẳng cấp, "không đụng hàng" của đại gia. Theo tiến sỹ Bình thì, người nhiều tiền, lắm của thường thích chơi trội, khác người. Họ có tiền, họ có thừa sức sở hữu những cây hoa đẹp, độc đáo nhưng thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, chẳng cần phô trương như thế làm gì. Có cây "độc", "không đụng hàng" thì đẳng cấp của đại gia vẫn thế, ông ta không khỏe, không béo hay gầy đi ngay được. Vì thế, thay vì thể hiện chuyện khoe tiền, hãy dùng vài chục triệu đồng đó, mua vài trăm cái chăn ấm cho người nghèo. Mùa lạnh này, họ sẽ ấm áp hơn rất nhiều và đẳng cấp của đại gia chắc chắn cao hơn so với việc "săn" cây cảnh "độc" chơi Tết. |
Lê Anh