Qua một đầu mối, PV tiếp cận người tên Thảo, được cho là một đầu nậu chuyên về pháo các loại ở khu vực Tân Phú, Tân Bình. Sau khi qua màn “kiểm tra lai lịch”, Thảo nói: “Nếu cần pháo thì cuối giờ chiều (ngày 1/1/2017) đến quán một cà phê trên đường Tân Kỳ Tân Quý".
Đúng hẹn, PV đến nơi thì Thảo đã có mặt tại đây. Tuy nhiên, khi đến nơi, Thảo không mang theo pháo như đã hứa qua điện thoại. Thảo lý giải: “Ở đây không an toàn, nhưng tôi đã có ảnh mẫu trong điện thoại, nếu lấy thì sẽ giao đến tận nơi. Pháo có nhiều loại, nếu anh lấy, tôi sẽ để giá mềm cho”.
Sau đó, Thảo lấy điện thoại mở kho ảnh của mình và giới thiệu từng loại cho PV. “Pháo dàn, loại 36 quả có giá 600 ngàn đồng, còn loại 64 quả là 950 ngàn đồng. Riêng loại pháo hoa cây một lốc (12 cây) có giá 100 ngàn đồng, pháo trứng loại 3, một hộp 12 quả kèm ống có giá 160 ngàn đồng, pháo trứng loại 2, một hộp 12 quả kèm ống giá 215 ngàn đồng…”
“Với giá trên, nếu anh lấy số lượng nhiều, tôi sẽ bớt 10%, hàng sẽ giao tận nơi”, Thảo nói tiếp. Tương tự, PV còn tiếp cận được người tên Thái, quận Gò Vấp cũng rao bán pháo đủ loại. Vừa gặp, Thái nói ngay: “Pháo hoa dàn 36 là 500 ngàn đồng/hộp, pháo ông sư 100 quả có giá 1,5 triệu đồng và pháo bi loại 100 viên có giá 400 ngàn đồng được thì lấy. Chỗ tôi là có pháo thật, chứ không phải là nổ đâu”.
Về nguồn gốc, các đối tượng mua bán pháo lậu này cho biết, chủ yếu lấy từ Trung Quốc hoặc Campuchia. Tuy nhiên, lấy từ Campuchia thì hàng cũng từ Trung Quốc về, rồi chuyển sang Việt Nam. Hoàng chuyên bán pháo lậu, cho biết: “Hàng này là của Trung Quốc tuồn qua biên giới rồi đưa về bán lại. Việc nhập hàng có người quen ở Trung Quốc đưa về, sau đó vận chuyển về điểm bán hàng. Khó và ngán nhất vẫn là khâu vận chuyển từ biên giới về và giao dịch”.
Còn người bán pháo tên Lý ở khu vực ngã tư An Sương (quận 12) cho biết: “Tôi thường lấy pháo ở Campuchia về bán lại kiếm lời. Nếu anh có nhu cầu thì điện thoại và hẹn nhau dưới chân cầu vượt An Sương (quận 12) để giao dịch trực tiếp. Tùy loại pháo mà có giá khác nhau”. Lý cho biết thêm: “Việc mua pháo tại Campuchia không khó, khó nhất vẫn là đưa từ biên giới Tây Ninh về TP.HCM. Nếu không cẩn thận là bị hốt ngay”.
Để vận chuyển pháo nói riêng và các loại hàng lậu có khối lượng tương tự pháo, các đối tượng này đã xé lẻ, chia nhỏ hàng cho vào túi xách hoặc các thùng giấy đưa lên xe khách, dùng xe gắn máy chở hoặc đi bằng xuồng, ghe…
Theo đó, cánh buôn lậu đưa hàng đến khu vực biên giới, sau đó chia thành từng đơn hàng nhỏ, giấu trong các giỏ, túi xách, rồi thuê người vận chuyển về Việt Nam.
“Đây là cách làm an toàn và chủ của nó là ai thì không biết. Nếu có bị bắt thì người vận chuyển pháo cũng chỉ bị xử phạt hành chính là xong, hơn nữa số hàng cũng không lớn”, anh N.T.P., một người từng vận chuyển hàng lậu theo kiểu này cho biết.
Tăng cường công tác kiểm soát khu vực biên giới |
Một cán bộ Đồn cửa khẩu biên phòng Hoàng Diệu (Bình Phước) cho biết: "Do lợi nhuận cao (từ 3 đến 5 lần) nên các đối tượng buôn lậu bất chấp để mua bán, vận chuyển pháo từ Campuchia vào nội địa để tiêu thụ. Bên cạnh đó, so với các loại hàng lậu khác thì pháo dễ ngụy trang, cất giấu hơn. Cộng thêm, các đối tượng buôn lậu thường chẻ nhỏ hàng để vận chuyển. Hiện nay, tình hình buôn bán, vận chuyển pháo lậu các loại đang có chiều hướng gia tăng, nhất là dịp gần Tết này. Trước tình hình đó, Đồn đã có kế hoạch nhằm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát người và phương tiện qua lại khu vực biên giới nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm nói chung và pháo lậu nói riêng. |
Thanh Tùng