Sau hơn 3 năm triển khai xây dựng, cao tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành và thông xe dịp 2/9/2023. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa của nước ta và rút ngắn thời gian di chuyển giữa Thanh Hóa – Hà Nội.
Quá trình xây dựng cao tốc phát sinh nhiều vấn đề như: Nứt nẻ nhà cửa, hư hỏng kênh mương, ngăn cách đồng ruộng … đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Những hệ lụy này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nơi có cao tốc đi qua.
Ông Lê Văn Hiến (62 tuổi), trú tại thôn Tuyên Hoá, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn (Thanh Hoá) chia sẻ, do nhà ở cạnh đường cao tốc, được xây dựng từ năm 2017 và là nơi sinh sống của ba thế hệ. Khi dự án làm cầu vượt cao tốc triển khai, tường nhà ông bắt đầu xuất hiện tình trạng nứt nẻ.
Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu ngôi nhà, ông Hiến cẩn thận mở cửa từng phòng, chỉ dẫn về những vị trí đang bị nứt từ sàn nhà đến trần. Ngày mưa, nước theo các vết nứt thấm dột chảy xuống nền. Ông Hiến đã nhiều lần tự bỏ tiền ra thuê thợ xây dựng về khắp phục, nhưng tình trạng trên vẫn không được cải thiện.
Ông Hiến được nhà nước đền bù số tiền 130 triệu đồng để khắc phục việc nhà cửa bị hư hỏng khi cao tốc chạy qua. Số tiền này không đủ để gia đình ông lợp mái tôn chống dột và thuê thợ chống thấm.
Không chỉ riêng gia đình ông Hiến, ở thôn Tuyên Hoá còn có hàng chục ngôi nhà khác cũng đang gánh chịu nhiều hệ luỵ từ việc thi công cao tốc. Bà Lê Thị Nhiệm, trưởng thôn Tuyên Hoá, xã Đông Khê, cho hay, dự án đường cao tốc đi qua xã Đông Khê đã làm nứt nẻ nhà cửa của 52 hộ dân trong thôn. Hiện tại, 37 hộ dân cách đường cao tốc 50m đã nhận được 50% tiền đền bù, số còn lại, nhà cách đường cao tốc từ 50m trở lên chưa được đền bù.
Theo bà Nhiệm, không chỉ nứt nẻ nhà cửa, dự án này còn khiến khoảng 11ha đất sản xuất lúa của 110 hộ dân tại đồng Ngòn và đồng Nhâm không thể tiếp tục sản xuất vì đường cao tốc chắn ngang nhưng không có cống chui đi qua.
Một số hộ dân cho đơn vị thi công mượn đất nông nghiệp của dân dựng lán trại, tập kết vật liệu trong quá trình làm đường. Xong công trình lại không hoàn trả mặt bằng như ban đầu, bây giờ ruộng nhiều đá, sỏi người dân không thể canh tác được.
Cùng chung cảnh ngộ với xã Đông Khê, hàng chục hộ dân xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn bị nứt nẻ nhà cửa, nhưng chưa được nhận tiền đền bù; việc sản xuất nông nghiệp, tiêu úng thuỷ lợi cũng phát sinh nhiều bất cập.
Ông Lê Văn Tiếp (73 tuổi), trú tại thôn 6, xã Đông Thanh cho biết, gia đình ông chuyển về khu tái định nằm ngay dưới chân cầu vượt cao tốc. Trận mưa vừa rồi mố cầu vượt không có kè chắn nên đất đá trôi xuống lấp một phần đường dân sinh, nước mưa không rút kịp vì cống tiêu nước đã bị chặn lối thoát.
Ông Lê Văn Thìn – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thanh cho biết, gần 200 hộ dân trên địa bàn xã có đơn kiến nghị giải quyết việc đền bù, hỗ trợ những bất cập do cao tốc Bắc – Nam đi qua địa bàn. Ban quản lý dự án Thăng Long (Đơn vị quản lý dự án cao tốc) xác định có 154 hộ dân nằm trong mốc (50m) sẽ được đền bù, 55 hộ nằm ngoài mốc 50m không được đền bù, điều này khiến nhiều người dân bất bình.
Năm 2022, khi dự án cao tốc đang triển khai, Ban quản lý dự án Thăng Long đã đền bù cho 85 hộ dân thôn Kim Bôi, xã Đông Thanh (55 hộ trong mốc 50m và 30 hộ ngoài mốc 30m). Ngoài ra, trước khi dự án triển khai, chủ đầu tư dự án và đơn vị bảo hiểm lại kiểm kê tài sản các hộ dân ở cách cao tốc 100m.
Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thanh thông tin, hiện tại trên địa bàn xã có nhiều vị trí kênh mương nội đồng chưa được đơn vị thi công hoàn trả như ban đầu. Khoảng 3ha đất trồng lúa của người dân Đông Thanh giáp đất xã Thiệu Vũ (huyện Thiệu Hoá) gặp khó khăn trong canh tác, vì không có đường đi vào ruộng. Việc tiêu nước vào mùa mưa theo hướng từ Tây sang Đông tại những khu vực cao tốc chạy qua rất chậm vì cống thoát cao hơn cốt 70cm.
Theo số liệu thống kê của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Sơn (Thanh Hoá), dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 đi qua 4 xã thuộc huyện Đông Sơn (Đông Minh, Đông Hoà, Đông Khê và Đông Thanh). Cao tốc khiến gần 400 hộ dân bị nứt nẻ, hư hỏng nhà cửa nhưng đến nay nhiều hộ chưa nhận được tiền đền bù hoặc chỉ mới nhận được 50% số tiền.
Ông Lê Trọng Thụ - Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn cho biết, việc đền bù, hỗ trợ hư hỏng nhà cửa của người dân là trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, đơn vị bảo hiểm và nhà thầu. Huyện Đông Sơn đã nhiều lần mời Ban quản lý dự án Thăng Long làm việc, chốt biên bản các mốc chi trả đền bù, hỗ trợ. Tuy nhiên, do chủ đầu tư dự án đang gặp khó khăn về nguồn kinh phí nên việc đền bù, chi trả cho các hộ dân chưa hoàn thành.