Nước thải chảy ngược, tường kêu răng rắc
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, việc thi công các hạng mục tại dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên khiến nhà dân tại các khu vực lân cận bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều hộ dân cảm nhận đang sống trong ngôi nhà có nguy cơ đổ sập nên lên tiếng phản ứng.
Anh Phạm Văn Hiền (thường trú số 602/39/17G Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh) cho biết: “Nhà 1 trệt 3 lầu của tôi hoàn thiện cuối năm 2013. Đầu năm 2014, tuyến đường sắt Metro số 1 khoan cọc nhồi, làm trụ cầu thì nhà tôi xảy ra tình trạng lún, nứt, xé tường. Tôi đã gửi hàng chục lá đơn lên UBND phường 22 trong suốt gần 4 năm nhưng không có tác dụng".
Cùng hoàn cảnh, ông Phan Xuân (SN 1960, trú 602/39/7 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh) cho biết: “Từ khi thi công trụ cọc tuyến Metro số 1, căn nhà tôi bị nghiêng hẳn ra sau. Nhà có nhiều vết nứt, xé tường khắp nơi, đường nước thải chảy ngược về khiến nhà tắm và nhà vệ sinh nhà tôi bị ngập nước bẩn. Tôi cũng đã nộp nhiều lá đơn ra phường nhưng chưa được giải quyết”.
Tương tự, bà Lê Thị Sương (nhà số 602/39/15B); chị Hồ Thị Ngọc Minh (nhà số 602/39/17C); bà Trần Thị Nhành (nhà số 602/39/17E); ông Phạm Ngọc Hồng (nhà số 602/39/9P, phường 22) đều có phản ánh về việc nhà bị lún, nghiêng, nứt.
“Trứng chọi đá”?
Theo quan sát của PV, vị trí trụ cọc tuyến Metro số 1 mà người dân phản ánh nằm chỉ cách nhà dân khoảng 10m, có chỗ khoảng 5m. Bị nặng nhất là nhà của anh Phạm Văn Hiền. Dù là nhà mới xây nhưng trước việc xuống cấp trầm trọng, gia đình anh Hiền phải dọn ra ngoài để sinh sống.
Anh Hiền cho biết: “Mỗi lần lên hòa giải, tôi đưa ra các phương án một là đền bù cho tôi để tôi tự thuê người sửa chữa nhà, hai là chủ thầu tự sửa chữa nhà cho tôi. Họ đồng ý sửa, có quy định thời gian sửa chữa, đền bù nhưng lại không làm”.
Biên bản hòa giải ngày 24/2/2017 tại UBND phường 22 giữa ông Hiền và đại diện nhà thầu, ban Quản lý ghi nhận: “Chủ đầu tư và nhà thầu tổ chức khảo sát kiểm định lại toàn bộ hư hỏng công trình tại địa chỉ 602/39/17G Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh”.
Tuy nhiên, theo anh Hiền, kết quả kiểm định này đưa ra mức giá đền bù rất vô lý. Bởi, hỏi giá thi công nhà trước đó, anh Hiền được báo giá hơn 500 triệu đồng nhưng đơn vị kiểm định do nhà thầu mới chỉ đưa ra mức giá gần 39 triệu đồng.
Trong khi đó, các trường hợp: Ông Phan Xuân yêu cầu 25 triệu đồng đền bù để giải quyết cấp bách cho chuyện ngập ba nhà tắm và vệ sinh; bà Lê Thị Sương yêu cầu 130 triệu đồng sửa chữa nhiều hạng mục; bà Hồ Thị Ngọc Minh yêu cầu 49 triệu đồng; bà Trần Thị Nhành chỉ yêu cầu 47 triệu đồng; ông Phạm Ngọc Hồng yêu cầu 165 triệu đồng chưa được nhà thầu mời đơn vị kiểm định đến làm việc.
“Chúng tôi biết phản ứng lại với các nhà thầu ấy chẳng khác nào lấy trứng chọi đá nhưng đây là quyền lợi chính đáng. Huống hồ, chúng tôi chỉ đòi tiền sửa chữa rất ít và rất phù hợp nhưng suốt nhiều năm trời nhà thầu vẫn ngó lơ. Họ đang xem nhẹ tinh thần và tính mạng của chúng tôi khi chúng tôi đang phải sống trong những căn nhà bị ảnh hưởng trầm trọng từ công việc của họ”, một người dân bức xúc.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Văn Quang (Phó Chủ tịch UBND phường 22, quận Bình Thạnh) cho biết, sẽ trả lời tất cả những câu hỏi của PV về nỗi bức xúc của người dân thông qua văn bản cụ thể.
“Trụ sở UBND phường 22 cũng bị ảnh hưởng bởi công trình Metro số 1. Bên nhà thầu lập phương án bồi thường không đúng, nên chúng tôi yêu cầu thuê đơn vị kiểm định độc lập là công ty Kiểm định Sài Gòn để đưa ra giá hợp lý. Tuy nhiên, đơn vị nhà thầu cũng rất chậm chạp trong khâu đền bù”, ông Quang nhấn mạnh.
* Báo điện tử Người Đưa Tin sẽ tiếp tục phản ánh.