Còn nhớ, khi Quốc hội khóa XIII thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội… tại Kỳ họp thứ 11, ngày 1/4/2016, Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khi ấy đã có phát biểu khiến dư luận xã hội dậy sóng bức xúc. Ông nói: “Đa số thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng nhân dân không biết”.
Ngày 3/4, Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời báo chí gửi lời xin lỗi đến nhân dân, bởi thời gian ở Quốc hội hạn chế nên ông đã diễn đạt ý chưa rõ ràng.
“Lẽ ra tôi phải nói là người dân không biết đâu là sản phẩm thực sự an toàn và đâu là sản phẩm vi phạm. Để giúp người dân phân biệt thì đó là trách nhiệm của chúng tôi và các cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng vì thời gian gấp quá, tôi cắt mất mấy chữ đó. Tôi xin lỗi vì chưa diễn đạt hết ý khiến nhiều người hiểu nhầm”.
Lời xin lỗi đã khiến “sức nóng” từ dư luận dịu lại.
“Nhân vô thập toàn”, vì không ai hoàn hảo nên mọi người luôn cố gắng hoàn thiện mình để sống thật tốt. Lời xin lỗi cũng giống như bao ngôn từ khác trong hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt nhưng nó thường rất khó để cất lên. Dường như, ở vị trí càng cao, lời xin lỗi càng được tiết kiệm. Khi một lời xin lỗi được nói ra là một người đã bước qua ranh giới giữa sự hổ thẹn và danh dự, giữa chân thành và vẻ hào nhoáng.
Nhận ra sai lầm, nói lời xin lỗi nhanh nhất có thể, tìm cách khắc phục nó là điều có thể nâng cao giá trị và tầm vóc của một người. Không ai bị chỉ trích vì nhận ra sai lầm. Nhưng thực tế, không ít người đứng đầu ngành "đá quả bóng" trách nhiệm và không muốn nhìn thẳng vào lỗi lầm của mình.
Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã tạo sức hút đến kỳ lạ. Nhưng không phải sức hút tạo ra đam mê mà nó khiến các giáo viên phải căng mọi giác quan nghe ngóng cho “số phận” của mình. Ấy là khi Bộ trưởng thông tin với cử tri tỉnh Bình Định về việc “sẽ thí điểm bỏ biên chế giáo viên”. Chỉ là “sẽ” thôi, nhưng ý định chưa hình thành đề án chi tiết cụ thể ấy đã khiến hàng triệu giáo viên lo lắng, dư luận dậy sóng.
Sau thông tin này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã có bài trả lời trên một số báo nói rõ hơn về phát ngôn của mình. Nhưng thay vì hiểu để chia sẻ hay hào hứng với sự đổi mới, dư luận và đặc biệt là các nhà giáo trên khắp mọi miền của Tổ quốc lại thêm thắc mắc, băn khoăn, lo lắng hơn. Những tâm tư dồn nén vào “tâm thư” gửi Bộ trưởng đến nay chưa có lời đáp.
Năm học kết thúc, thay vì vui mừng với kết quả đạt được, nhẹ lòng khi hoàn thành nhiệm vụ, giáo viên lại bước vào một kỳ nghỉ hè với tâm trạng khắc khoải cho tương lai.
Với hy vọng lên vùng cao để được xem xét sớm vào biên chế, nhiều giáo viên đang cảm thấy thanh xuân trôi qua như dòng nước chảy trên lá khoai – chẳng đọng lại gì.
Câu chuyện “chạy việc”, “chạy biên chế” giáo viên chưa có một giải pháp đột phá, hiệu quả; thu nhập của giáo viên vẫn như tiếng thở dài rơi vào thời gian; trẻ em ngày càng sợ đến trường; học sinh chóng mặt với những đổi thay của thi cử, chương trình sách giáo khoa… Vội vàng gì biến sân chơi tri thức trở thành nơi hơn thua, được mất?
Bộ trưởng là “Tư lệnh ngành”, hẳn sự lan tỏa từ mỗi câu nói, mỗi hành động, việc làm sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn ngành giáo dục. Với 67,81% phiếu trúng cử ĐBQH, gần 80% phiếu tán thành khi được bầu vào vị trí điều hành ngành Giáo dục và Đào tạo và 93,52% tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý để được phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 – 2021, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang có trên vai niềm tin rất lớn từ cử tri, từ xã hội. Và, bản thân tôi cũng đã từng tin vào những thông số ấy của Bộ trưởng!
Nhưng thưa Bộ trưởng, khi ông đưa ra một ý tưởng để dư luận xã hội bức xúc, rồi không thể giải thích một cách thuyết phục, dịu lòng dư luận – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có đang nợ các nhà giáo và dư luận một lời xin lỗi?
>>> Xem toàn bộ các ý kiến đóng góp tại đây:
Thí điểm bỏ biên chế giáo viên
Mai Lan
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả