Bộ Xây dựng vừa công bố dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội nhằm đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện hành lang pháp lý. Dự thảo đang được lấy ý kiến đến ngày 18/4 và dự kiến trình Quốc hội trong phiên họp sắp tới.
Dự thảo đề xuất một số chính sách đặc thù như: Thành lập "Quỹ phát triển nhà ở xã hội Quốc gia" từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác; miễn thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội; cho phép chủ đầu tư hưởng lợi nhuận định mức tối đa 13% tổng chi phí đầu tư xây dựng; hỗ trợ quỹ đất, giải phóng mặt bằng và phát triển hạ tầng đồng bộ để thúc đẩy xây dựng nhà ở xã hội...
Doanh nghiệp kỳ vọng cơ chế đột phá
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Lê Quang Huy - Phó Tổng giám đốc CTCP BIC Việt Nam - đánh giá cao các cơ chế này, đặc biệt là việc cho phép địa phương chỉ định chủ đầu tư mà không cần đấu thầu.
Theo ông Huy, điều này sẽ giúp rút ngắn quy trình phê duyệt, ưu tiên các doanh nghiệp có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính, từ đó đẩy nhanh nguồn cung nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ quỹ đất và giải phóng mặt bằng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn hiện nay, giúp các dự án triển khai nhanh hơn.
"Với gần 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội, chúng tôi nhận thấy dự thảo lần này có nhiều đột phá, tháo gỡ rào cản, tăng sức hấp dẫn đầu tư và cải thiện chính sách nhà ở xã hội của Nhà nước", đại diện BIC Việt Nam nhận định.

Chính sách hỗ trợ quỹ đất và giải phóng mặt bằng được kỳ vọng sẽ giúp các dự án nhà ở xã hội được triển khai nhanh hơn.
Tuy nhiên, ông Huy cũng chỉ ra một số rào cản pháp lý có thể ảnh hưởng đến tính khả thi của cơ chế thí điểm, đặc biệt là quy định giới hạn quỹ đất giao không qua đấu thầu.
Việc chỉ áp dụng cho các dự án đã có trong quy hoạch sẽ khiến nguồn cung bị hạn chế, trong khi nhiều địa phương chưa chủ động quy hoạch quỹ đất riêng cho nhà ở xã hội. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn đề xuất địa điểm phù hợp với quy hoạch chung, do phải trải qua thủ tục bổ sung vào chương trình phát triển nhà ở của địa phương, mất nhiều thời gian.
Để khắc phục, ông Huy kiến nghị các địa phương cần sớm hoàn thiện và công khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận và nghiên cứu đầu tư. Đồng thời, cần có cơ chế linh hoạt hơn trong xét duyệt các dự án do nhà đầu tư đề xuất, giúp mở rộng nguồn cung nhà ở xã hội.
Doanh nghiệp kỳ vọng rằng nếu Nghị quyết được triển khai sớm và hiệu quả, các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM sẽ có cơ sở để đạt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện thành công đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030.
Mở rộng cơ hội an cư cho người dân
TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia là một bước đột phá, giúp hàng triệu người có cơ hội sở hữu nhà ở trong bối cảnh giá bất động sản tại các đô thị lớn liên tục tăng cao, khiến người thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở thương mại.
Không chỉ hỗ trợ người dân mua nhà với giá hợp lý, quỹ còn góp phần điều tiết thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh rằng Nhà nước cần đóng vai trò trung tâm trong việc thành lập, quản lý và vận hành quỹ, đồng thời huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế khác nhằm tối ưu hóa nguồn lực.
Quỹ sẽ tập trung cung cấp nhà ở giá ưu đãi thông qua hình thức mua bán hoặc cho thuê, hướng đến các đối tượng như công nhân khu công nghiệp, lao động tự do, cán bộ, công chức, viên chức chưa có nhà ở ổn định và các gia đình trẻ có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế xét duyệt và giám sát chặt chẽ để đảm bảo minh bạch, tránh thất thoát và đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thực sự có nhu cầu.
Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) khẳng định việc xây dựng cơ chế đặc thù cho nhà ở xã hội là chính sách quan trọng, cần thiết trong bối cảnh nhiều người dân gặp khó khăn khi giá nhà vượt quá khả năng tài chính.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) khẳng định việc xây dựng cơ chế đặc thù cho nhà ở xã hội là chính sách quan trọng.
Ông đặc biệt đánh giá cao hai cơ chế: thành lập Quỹ phát triển Nhà ở xã hội Quốc gia và giao đất cho chủ đầu tư không qua đấu thầu. Theo ông, điều này sẽ giúp giảm chi phí đầu tư, thu hút doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Dù vậy, ông Hoà cũng nhấn mạnh rằng việc thực thi các chính sách cần đi đôi với cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả. Trước hết, cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan chức năng trong kiểm tra, thanh tra từ khâu quy hoạch, cấp phép đến xây dựng và bàn giao nhà.
"Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân phải đóng vai trò giám sát độc lập, đảm bảo các chính sách đặc thù không bị lợi dụng để trục lợi cá nhân", ông Hoà nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống theo dõi, báo cáo công khai về tiến độ và chất lượng dự án, giúp người dân có thể giám sát và phản ánh kịp thời nếu có sai phạm.
Chế tài xử lý vi phạm cũng phải nghiêm khắc, đặc biệt đối với các trường hợp lợi dụng cơ chế ưu đãi để đẩy giá nhà, chuyển nhượng trái phép hoặc không thực hiện đúng cam kết về tiến độ và chất lượng.

Chính sách giám sát phải đảm bảo rằng những người có thu nhập thấp được hưởng lợi từ chính sách.
Ngoài ra, chính sách giám sát phải đảm bảo rằng người mua nhà - những người có thu nhập thấp và thực sự có nhu cầu - được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ, thay vì bị đẩy ra khỏi thị trường do tình trạng đầu cơ.
Quy trình xét duyệt cần minh bạch để ngăn chặn hành vi trục lợi. Việc giám sát hiệu quả không chỉ giúp chính sách đi đúng hướng mà còn tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội một cách bền vững.
"Việc triển khai hiệu quả các chính sách này không chỉ giúp người dân thu nhập thấp tiếp cận nhà ở mà còn tạo ra môi trường đầu tư minh bạch, bền vững cho thị trường bất động sản", ông Hoà nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý cần phân định rõ ràng giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội, tránh áp dụng chung một cơ chế, dẫn đến tiêu cực và ảnh hưởng đến mục tiêu an sinh xã hội.