Làm đẹp từ thuở còn thơ
Dạo một vòng quanh các cửa hàng chuyên các sản phẩm dành cho trẻ em, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng hỏi mua những phụ kiện làm đẹp cho các "thượng đế nhí". So với sản phẩm nâng mũi được dùng cho người lớn, những quảng cáo dòng sản phẩm dành cho trẻ nhỏ luôn "có cánh" hơn rất nhiều với hướng dẫn sử dụng ở mức giản tiện đến tối đa. Đặc biệt, đánh vào tâm lý trẻ nhỏ ưa thích những hình thù ngộ nghĩnh nên các nhà sản xuất liên tục tung ra những mẫu mã vô cùng "ngộ nghĩnh" và dễ thương như mèo hello kitty, chuột mickey... và màu sắc "bắt mắt", gồm đỏ, hồng, cam, xanh... Theo lời giới thiệu rất nhiệt tình của chủ một shop bán hàng online toàn là các sản phẩm dành cho trẻ em thì, ngoài những sản phẩm quen thuộc như dầu gội, sữa tắm, dầu mat-xa... mỹ phẩm và dụng cụ làm đẹp cho trẻ em cũng chiếm thị trường đáng kể. Kẹp nâng mũi nini cho trẻ em cũng như kẹp nâng mũi của người lớn, sản phẩm này được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như: Nhựa tổng hợp, nhựa dẻo, silicon... nên giá thành vì thế cũng có độ chênh nhau khá lớn. Hơn nữa, kẹp nâng mũi cho trẻ em cần kỹ thuật, độ an toàn cao hơn nên giá cao hơn.
Ăn theo trào lưu làm đẹp này, các nhà sáng chế Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc gần đây tung ra những chiếc kẹp nâng mũi không chỉ dành cho người lớn mà những kích cỡ nhỏ hơn phù hợp với trẻ em nhiều lứa tuổi. Các nhãn hàng có nguồn gốc, xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc... thường sử dụng chất liệu nhựa dẻo hoặc silicon. Theo tư vấn của chị Hòa, chủ shop bán hàng, thì cấu tạo của hình dáng bên ngoài chỉ mang tính chất trang trí cho bắt mắt. Quan trọng là tính đàn hồi của phần lò xo dùng để bóp và cấu tạo của lớp đệm bên trong kẹp mũi - nơi trực tiếp tiếp xúc với mũi. Đối với hàng "xịn" - tức chính hãng, lớp đệm này được bọc cầu kỳ bằng lớp vải mềm hay mút còn loại rẻ tiền được làm bằng nhựa đơn giản thì chỗ đệm cũng... "chả có gì". Loại kẹp mũi rẻ tiền chỉ dùng vài lần là phần lò xo bị bong ra, thế là hỏng và coi như cả chiếc kẹp sẽ "vứt xó".
Kẹp mũi với nhiều kiểu dáng bắt mắt thu hút trẻ nhỏ.
Thấy phóng viên tỏ ý nghi ngại về độ bền của kẹp mũi, theo chị Hòa là không cả bằng... chiếc kẹp để phơi quần áo, chị Hòa quay ra trấn an: "Trẻ con thích thay đổi liên tục nên cứ mua về một nắm, hỏng cái này đã có cái khác. Trông nó như đồ chơi, như thế mới dỗ dành được trẻ làm đẹp chứ". Vừa nói, chị Hòa vừa lôi thêm một bịch kịp mũi để trong túi nilon với hàng chục mẫu, xanh, đỏ và nhiều hình dáng khác nhau như nơ, bướm. Chị Hòa thao thao một hồi, rồi chốt giá: "150.000 đồng/vỉ gồm 10 chiếc, mua nhiều sẽ tính giá bán buôn là 120.000/vỉ. Cô mua bao nhiêu vỉ?...".
Nguy cơ "mũi vẹo" thay vì mũi cao
Theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm, mỗi ngày các bé gái phải làm đẹp khoảng 2 lần, mỗi lần kẹp mũi từ 20 - 30 phút. Tin tưởng vào thông tin hướng dẫn của sản phẩm về công dụng cũng như sự "tiện lợi, thoải mái, vừa kẹp mũi, vừa thao tác những công việc khác mà không bị ảnh hưởng" nhiều phụ huynh đã cho con gái nhỏ kẹp nhiều hơn thời gian ghi trên bao bì. Tuy nhiên, trên thực tê,ë công dụng này chỉ "tạm đúng" đối với người lớn còn đối với trẻ em, do bản tính hiếu động, thích chạy nhảy thì việc mang theo một vật lạ vướng víu rất dễ gây phiền toái. Chị Thu Lan (Ba Đình, Hà Nội) sau khi sử dụng kẹp mũi mi ni cho con gái 4 tuổi, chia sẻ: "Bé nhà mình là một đứa trẻ hiếu động. Trong thời gian làm đẹp bé nhất định không chịu ngồi yên nên mẹ luôn phải chạy theo để đề phòng... kẹp rơi". Mặc dù kẹp dành cho trẻ em có nhiều kích cỡ phù hợp với độ tuổi nhưng loại kẹp mũi rẻ tiền thì vấn đề kích cỡ chỉ mang tính... minh họa. Nhiều trường hợp mua kẹp mũi rẻ tiền, khi vừa kẹp vào mũi nhiều bé đã la lên oai oái vì hai sống kẹp thít chặt vào hai cánh mũi gây đau đớn. Tưởng con chưa quen nên chị Thu Lan ra sức dỗ dành. Ai dè kẹp được 10 phút (một nửa thời gian chỉ dẫn) chị đành tháo ra, vì bé không chịu nổi đau. Kiểm tra, chị Lan tá hỏa, mũi con gái hằn lên đỏ ửng, thử lại độ đàn hồi của kẹp thì thấy phần lò xo đã trở nên rệu rã, gần bong.
Chưa hết, đối với sản phẩm "xịn" được quảng cáo là có lớp đệm êm ái nhưng xem ra cũng không ổn. Chị Thu Hà (Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Sản phẩm này đắt tiền hơn, khoảng từ 100 - 150 nghìn đồng/chiếc nên độ bền vì thế cũng cao hơn. Tuy nhiên, với lớp mút đệm đó nếu dùng nhiều mà không vệ sinh sạch sẽ, mồ hôi tích tụ lại cũng sẽ gây mẩn ngứa cho bé". Đặc biệt việc sử dụng kẹp mũi trong những ngày nắng nóng đối với trẻ nhỏ là việc khó khăn bởi trẻ thường nhiều mồ hôi dẫn đến mũi trơn tuột. Da mặt nhờn quá nên chưa kẹp cố định vào mũi nó đã bật tung ra...", chị Thu Hà than thở. Nhiều người còn tỏ rõ thái độ chán nản cho biết, sau khi áp dụng kiểu làm đẹp "cưỡi ngựa xem hoa" độ cao chiếc mũi hầu như không cải thiện được mấy, thậm chí vị trí đặt kẹp thường xuyên còn khiến lớp da mũi của con mình có dấu hiệu nhăn nheo, không còn độ căng bóng đặc trưng của làn da độ tuổi phát triển. Không ít vị phụ huynh thường nói đùa nhau rằng: Tác dụng trên thực tế chưa được kiểm định, chỉ thấy mọi người nếu muốn thấy hiệu quả mũi thon thì cứ phải đeo ít nhất... chục năm. "Thậm chí sử dụng kẹp cho bé trong một thời gian dài, nhiều vị phụ huynh tá hỏa khi phát hiện ra mũi cao thì chẳng thấy chỉ thấy mũi vẹo. Hỏi người bán chỉ nhận được câu trả lời tỉnh queo "do kẹp không đúng hướng dẫn". Nhiều người đành âm thầm dắt con đến bác sỹ thẩm mỹ để nhờ can thiệp cho mũi trở về vị trí ban đầu", một bà mẹ cảnh báo trên một diễn đàn dành cho trẻ thơ.
Cẩn thận bị lệch mũi Theo bác sỹ Nguyễn Vĩnh Toàn (khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Vimec (Hà Nội), mũi cao hay thấp là do phần xương mũi quyết định. Dùng kẹp chỉ có tác dụng ở phần sụn làm giá đỡ phía dưới xương mũi. Nhiều loại kẹp rẻ tiền phần lò xo đàn hồi không chuẩn khiến mũi bị ửng đỏ, đau đớn. Nếu kẹp chặt quá sẻ ảnh hưởng tới đường hô hấp cũng như tổn thương bên trong lớp niêm mạc mũi gây ra các chứng viêm xoang rất khó chữa ở trẻ nhỏ. Chưa kể đến việc "uốn nắn quá đà" hoặc quá sớm vào sự phát triển xương khớp của trẻ dễ dẫn đến hiện tượng mũi lệch thay vì mũi cao... |
Linh Nhi