NSƯT Đức Lưu sinh năm 1939 trong một gia đình trí thức tại thị trấn Tây Đằng, phủ Quảng Oai, huyện Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội). Bà thuộc thế hệ sinh viên khóa I của Đại học Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) cùng khóa với nghệ sĩ Trà Giang và tốt nghiệp năm 1962.
Trong thời gian đang theo học trường điện ảnh, bà tham gia phim Cô gái công trường, là bộ phim truyện thứ hai của điện ảnh cách mạng Việt Nam sau Chung một dòng sông.
Trong sự nghiệp diễn xuất của NSƯT Đức Lưu phải đặc biệt kể tới vai Thị Nở phim Làng Vũ Đại ngày ấy. Trong suốt thời gian quay phim, bà thường xuyên phải đeo hàm răng giả, nhét hai cục bông vào hai bên má.
Đã hơn bốn thập kỷ kể từ ngày bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy ra mắt nhưng khán giả, bạn bè và không ít đồng nghiệp vẫn gọi bà là Thị Nở - người vào vai người phụ nữ xấu nhất màn ảnh Việt trong tác phẩm điện ảnh kinh điển. Bà vui sướng, hãnh diện khi được gọi tên bằng vai diễn.
Làng Vũ Đại ngày ấy là một bộ phim nổi tiếng được xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam thế kỷ 20. Phim được sản xuất năm 1982 bởi đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa.
Bộ phim dựa trên ba truyện ngắn Sống mòn, Chí Phèo và Lão Hạc, bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy của đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa được đánh giá là 2 trong số ít các tác giả điện ảnh Việt Nam đạt được thành công lớn về nhiều mặt khi khắc họa cuộc sống nông thôn trong xã hội phong kiến nửa thuộc địa của Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám. Bộ phim đã giúp đạo diễn giành Giải thưởng nhà nước về Văn học Nghệ thuật cùng hai tác phẩm điện ảnh khác là Chị Dậu (1980) và Lửa trung tuyến (1961).
Dù đóng vai Thị Nở - người phụ nữ xấu "ma chê quỷ hờn" nhưng NSƯT Đức Lưu lại sở hữu vẻ đẹp mặn mà, dịu dàng và nền nã.
Sau vai Thị Nở trong Làng Vũ Đại ngày ấy, nghệ sĩ Đức Lưu dừng đóng phim dù đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Bà từ bỏ sự nghiệp điện ảnh và chuyển về làm công tác đối ngoại ở Thành ủy Hà Nội. Năm 1996, bà cùng đồng nghiệp thành lập Trường đại học Công nghệ và Kinh doanh Hà Nội và tham gia công tác quản lý trường. NSƯT Đức Lưu chỉ đóng 2 phim điện ảnh trong suốt sự nghiệp của mình.
Bà gặp chồng bà – Nhà khoa học, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Hạ Phương tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội khi đăng ký lớp học tiếng Anh buổi tối. Thời điểm đó, ông là cán bộ giảng dạy tại trường.
Cả hai kết hôn năm 1962 và có với nhau 2 người con trai. NSƯT Đức Lưu có 2 người con trai đều thành danh và gia đình hạnh phúc. Theo lời bà thì con dâu thảo hiền, khéo vun vén tổ ấm. Năm 2007, chồng NSƯT Đức Lưu bị đột quỵ và nằm liệt giường và qua đời 5 năm sau đó.
Nghệ sĩ Đức Lưu có cuộc sống yên hưởng tuổi già, viên mãn với vật chất đủ đầy, hai người con trai đều thành danh và yên bề gia thất, con dâu hiếu thảo, các cháu ngoan ngoãn, giỏi giang, tự kiếm học bổng đi du học Mỹ.
Một ngày của người nghệ sĩ lớn tuổi là đọc sách, nghe nhạc cổ điển không lời hay những bản nhạc cách mạng, các bài kinh Phật… Thỉnh thoảng, bà đón bạn già tới nhà chơi hoặc bắt taxi đi gặp bạn bè. Bà cũng hay lên chùa, đi tập thiền cùng các cụ cao tuổi trong công viên Thống Nhất.
Nữ nghệ sĩ cho biết, bà tham gia một nhóm thiện nguyện và các thành viên trong nhóm thường tự bỏ tiền túi kết hợp kêu gọi người thân quen ủng hộ. Ai có gì góp nấy như tiền bạc, lương thực, quần áo, thuốc men… tất cả được đóng gói cẩn thận và gửi cho trẻ em vùng cao.
Dù tuổi cao nhưng NSƯT Đức Lưu vẫn rất khỏe mạnh, không ốm đau, bệnh vặt. Nghệ sĩ Đức Lưu từng tâm sự rằng ở cái tuổi gần đất xa trời như bà mà gia đình sung túc, con cháu thành đạt, lại được đi đó đây như bà thì không còn gì nuối tiếc.
Hương Giang (t/h)