Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc (CPCA) gần đây cho biết, tổng thị phần của Hyundai Motor và Kia tại Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất toàn cầu - đã giảm từ 3.1% hồi tháng 11/2020 xuống còn 2.1% vào tháng 11 năm nay, tương đương mức giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, thị phần của Hyundai Motor đã giảm từ 2,2% xuống còn 1,4%; thị phần của Kia giảm từ 1,4% xuống còn 0,7%.
Tháng trước, doanh số bán lẻ ô tô giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1.845.000 chiếc tại thị trường Trung Quốc. Doanh số bán xe con (bao gồm Sedan, SUV và MPV) giảm 13% xuống còn 1.816.000 chiếc và xe thương mại giảm xuống còn 28.000 chiếc, tương tự như năm ngoái.
Tuy nhiên, hiệu suất của Hyundai Motor và Kia thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thị trường.
Doanh số bán lẻ của Hyundai Motor Bắc Kinh giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 26.000 chiếc vào tháng 11, và Dongfeng Kia giảm 30% xuống còn 13.000 chiếc.
Doanh số của Tập đoàn Hyundai Motor Group đã giảm đáng kể tại thị trường Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng THAAD năm 2016.
Hyundai Motor đang tổ chức lại các đơn vị kinh doanh địa phương bằng cách bán Nhà máy Bắc Kinh 1, nhà máy sản xuất toàn cầu đầu tiên của hãng.
Hyundai Motor đã tung ra nhiều mẫu xe mới khác nhau và cho ra mắt thương hiệu Genesis nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng tại Trung Quốc - một thị trường có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường xe điện (EV) toàn cầu.
Tuy nhiên, hiệu suất bán hàng của nhà sản xuất ô tô hàng đầu Hàn Quốc tiếp tục ì ạch, chỉ có 69 chiếc thuộc mẫu xe điện chiến lược Mistra EV, ra mắt đầu năm nay, được bán trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 9.
Ngược lại, các nhà sản xuất xe điện như Tesla của Mỹ và BYD và Geely Automobile của Trung Quốc lại có hiệu suất bán hàng mạnh mẽ.
Tesla và BYD lần lượt bán được 32.000 chiếc và 90.000 chiếc trong tháng 11. Thị phần của Tesla là 1,7%, và BYD là 5,0%. Doanh số của Geely Automobile giảm 12%, nhưng thị phần tăng 0,1 điểm.
Các thương hiệu Nhật Bản và châu Âu cũng ghi nhận sự sụt giảm thị phần.
"Doanh số bán lẻ ở Trung Quốc hồi tháng 11 giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau như thiếu chip, đại dịch Covid-19 và nhu cầu tiêu dùng giảm do suy thoái kinh tế", Song Seon-jae, một nhà phân tích từ công ty Hana Financial Investment, cho biết.
"Những gián đoạn sản xuất do thiếu chất bán dẫn đã được giải quyết tương đối. CPCA hy vọng tình trạng thiếu linh kiện sẽ được giảm bớt".
Tín hiệu lạc quan từ ngành chip
Tình trạng khan hiếm nguồn cung chip đang diễn ra đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của một số ngành, từ ô tô đến thiết bị tiêu dùng, máy tính cá nhân và điện thoại thông minh.
Một số nhà phân tích và nhà đầu tư dự báo tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài đến năm 2023, nhưng nhà phân tích bán dẫn hàng đầu tại JPMorgan có nhận định lạc quan hơn.
Sự thiếu hụt chip toàn cầu dự kiến sẽ kéo dài đến hết năm 2022. Nhưng tình hình có thể được cải thiện từ giữa năm trở đi khi có nhiều nguồn cung hơn, Gokul Hariharan, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu công nghệ, truyền thông và viễn thông Châu Á - Thái Bình Dương tại JPMorgan, cho biết.
Theo Hariharan, tình trạng thiếu hụt vẫn sẽ tiếp diễn trong 6 tháng đầu năm 2022. Nhưng càng về cuối năm nguồn cung sẽ càng dồi dào hơn, với sự tham gia của không chỉ các công ty đúc bán dẫn mà còn của các nhà sản xuất thiết bị tích hợp (IDM). Tất cả các IDM của Hoa Kỳ và châu Âu cũng đang tự mở rộng năng lực.
Công ty đúc bán dẫn là các cơ sở được các công ty bán dẫn ký hợp đồng để chế tạo chip. Còn IDM là những công ty thiết kế, sản xuất và bán những con chip thành phẩm.
Minh Đức (Theo ANI News, CNBC)