Kết quả này được đưa ra sau thống kê của Statcounter. Theo đó, thị phần hệ điều hành Windows 10 trong tháng 1/2018 đã tăng 1,09% so với tháng trước đó, giúp Windows 10 chiếm 42,78% thị phần dành cho máy tính để bàn. Trong khi đó, thị phần của Windows 7 cũng trong tháng 1 chỉ còn chiếm 41,86% sau khi bị giảm 0,08%.
Như vậy, lần đầu tiên sau 2,5 năm phát hành, hệ điều hành Windows 10 đã vượt Windows 7 để chiếm lấy vị trí số 1 trên máy tính để bàn. Vào tháng 1/2016, Windows 7 vẫn giữ vị trí số 1 này với 47,46%. Khi đó, thị phần của Windows 10 chỉ đạt mức 32,84%.
Xếp ở các vị trí tiếp theo là các phiên bản Windows khác, cụ thể: xếp thứ 3 là Windows 8.1 với 8.7%, Windows XP chiếm 3,36%, Windows Vista chiếm 0,74%. Kết quả tăng trưởng của Windows 10 mảng PC này là không bất ngờ, bởi khi mới ra mắt được 6 tháng thì Windows 10 đã trở thành hệ điều hành phổ biến thứ 2 trên thế giới.
Tuy nhiên, không phải tất cả các kết quả thống kê đều giống nhau. Một thống kê khác từ Netmarketshare thì Windows 10 có thị phần 34,29%, xếp sau Windows 7 với 42,39% thị phần. Sự khác nhau trong kết quả này là do cách thu thập số liệu khác nhau của Netmarketshare và Statcounter.
Trong khi Statcounter tập trung vào các phiên bản của Windows thì Netmarketshare thống kê thị phần của cả macOS và Window lẫn Linux. Như vậy, cho đến nay, Windows 7 vẫn là hệ điều hành được xem là thành công nhất của Microsoft khi đứng ở vị trí đầu bảng nhiều năm liền trong thị trường máy tính cá nhân.
Windows 10 vốn dĩ được xem là sản phẩm chiến lược của Microsoft nên được đẩy mạnh phát triển khá nhiều. Nhưng chỉ có Windows 10 dành cho PC là tăng trưởng ổn định, còn Windows 10 Mobile lại khá lận đận. Điều này cho thấy giấc mơ của Microsoft về một “hệ điều hành đồng nhất xuyên suốt mọi thiết bị” còn khá xa vời.