Thí sinh cần lưu ý gì khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển?

Thí sinh cần lưu ý gì khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển?

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 5, 26/08/2021 12:54

Từ 29/8 đến 17h ngày 5/9 thí sinh sẽ chính thức điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ở phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT. Vậy các thí sinh cần lưu ý những gì?

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết năm nay thí sinh có nhu cầu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) chỉ được thực hiện theo phương thức trực tuyến, mỗi thí sinh được điều chỉnh ĐKXT tối đa 3 lần trong thời gian quy định.

Đồng thời, điểm tiếp nhận hồ sơ cũng tổ chức thực hiện rà soát, sửa sai chế độ ưu tiên, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng ĐKXT chính thức của thí sinh phải kết thúc trước 17h ngày 7/9.

Khi điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trực tuyến, thí sinh chỉ được thay đổi nguyện vọng trong tổng số nguyện vọng đã đăng ký, không được thêm nguyện vọng, không được điều chỉnh ưu tiên khu vực và/hoặc ưu tiên đối tượng. Nếu muốn thêm nguyện vọng và/hoặc điều chỉnh đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên, thí sinh phải thực hiện bằng phiếu và nộp trực tiếp cho điểm tiếp nhận hồ sơ.

Đặc biệt thí sinh lưu ý phải ghi đúng mã trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của nhà trường. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại.

"Thí sinh sau khi thực hiện điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT phải nhấn lưu thông tin và phải kiểm tra ngay trước khi xác nhận đăng ký. Sau khi đăng ký thành công, thoát khỏi hệ thống và đăng nhập lại để kiểm tra việc thay đổi đã thành công chưa.

Năm 2019, 2020 có hiện tượng một số thí sinh sau khi nhập thông tin thay đổi lên hệ thống coi như là xong, không nhấn nút lưu, sau khi hết hạn điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT kiểm tra lại mới phát hiện thông tin vẫn như cũ, lúc đó hệ thống đã khóa", ThS Phùng Quán - trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – nhắn nhủ với các thí sinh trên Tuổi Trẻ.

ThS Lê Văn Hiển, phụ trách phòng đào tạo trường đại học Luật TP.HCM, cho biết thêm thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu được cấp sau khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi để đăng nhập vào hệ thống quản lý thi qua Internet tại địa chỉ http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn để điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trực tuyến. Tên đăng nhập: số CMND (là số CMND hoặc mã định danh khi thí sinh đăng ký dự thi). Thí sinh dùng mã OTP để xác nhận việc thực hiện điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT.

Liên quan đến việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, ThS Trần Vũ, Trường phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng có 3 trường hợp thí sinh nên thực hiện thao tác điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.

Giáo dục - Thí sinh cần lưu ý gì khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển?

Các thí sinh nên cân nhắc kỹ, chỉ điều chỉnh nguyện vọng khi cần thiết. (Ảnh minh họa)

"Đó là những em có kết quả thi THPT thấp hơn điểm trúng tuyển của tổ hợp tương ứng tại các nguyện vọng (NV) thứ 2 trở đi so với năm 2020 thì các em nên thay đổi thứ tự các NV hoặc thay thế các NV. Thí sinh hoàn toàn vẫn có thể “bất chấp” giữ nguyên NV1 vì có thể đó vẫn là một kỳ vọng đáng để thử nếu điểm năm nay không chênh lệch quá nhiều so với điểm năm ngoái (nhỏ hơn dưới 1 điểm). Trong trường hợp thay đổi NV1 hoặc NV2,3… các em có thể đưa các NV thấp hơn lên thành NV thứ hạng cao hơn, hoặc lựa chọn các NV có thứ hạng thấp hơn tại trường mình muốn học nhưng có cơ hội trúng tuyển cao hơn so với NV cũ... Nguyên tắc đặt NV vẫn như lúc chúng ta đăng ký, đó là NV thứ hạng cao hơn là ngành của trường chúng ta muốn ưu tiên theo học hơn".

Trường hợp thứ 2 là khi thí sinh cảm thấy các NV đã đăng ký quá ít dẫn đến sự giới hạn lựa chọn với kết quả thi hiện tại. Chẳng hạn, ban đầu thí sinh mới chỉ đăng ký 1, 2 NV, thì nay các em có thể thêm. "Một lưu ý với 2 trường hợp này, là thí sinh phải kiểm tra thật kỹ mã ngành và mã trường, thực tế cũng đã có một số thí sinh nghĩ mình đăng ký ngành A, nhưng sau này trúng tuyển/không trúng tuyển mới biết mình đã đăng ký ngành khác A", thạc sĩ Vũ tư vấn.

Ở trường hợp 3, khi các thí sinh cần thay đổi thông tin về đối tượng ưu tiên xét tuyển hoặc thông tin cá nhân, thì cũng cần điều chỉnh nguyện vọng. "Các em phải cực kỳ cẩn trọng trong việc xác định các đối tượng ưu tiên lẫn thông tin cá nhân của mình, đặc biệt Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT có bổ sung thêm một số đối tượng ưu tiên. Đã từng có một số trường hợp thí sinh khai sai đối tượng, cứ nghĩ mình được điểm ưu tiên và đủ điều kiện trúng tuyển, nhưng đến khâu kiểm tra hồ sơ xác nhận nhập học thì thí sinh không đủ điều kiện và trở thành thí sinh không trúng tuyển", ThS Vũ nói.

Để có cơ hội trúng tuyển cao, theo ThS Trần Minh Tuấn, Phó phòng phòng Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, thí sinh cần tìm hiểu điểm chuẩn những năm gần đây của ngành, trường mà mình muốn xét tuyển. “Đồng thời tìm hiểu kỹ biểu đồ điểm thi tốt nghiệp năm nay theo từng môn, theo tổ hợp... để xác định mức điểm của mình nằm ở khoảng nào. Ngoài ra, khi điều chỉnh, các em vẫn phải luôn tuân thủ quy tắc sắp xếp NV theo thứ tự từ trên xuống dưới, NV1 là ưu tiên cao nhất", ThS Tuấn lưu ý.

Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, đưa ra lời khuyên thí sinh cần hết sức bình tĩnh, cân nhắc mọi yếu tố đầu vào ở trên để điều chỉnh NV cho phù hợp với mức điểm thi mà mình đã đạt được.

"Trường hợp thí sinh đã lựa chọn đúng ngành, đúng trường theo mong muốn và có kết quả thi tốt so với điểm chuẩn của các năm thì không nên thực hiện điều chỉnh NV. Chỉ khi nào các em có điểm thi không tốt hoặc điểm thi tốt hơn nhiều so với kỳ vọng thì nên xem xét điều chỉnh cho phù hợp với mong muốn của bản thân. Hoặc thí sinh sau khi đăng ký rồi nhưng có suy xét, lựa chọn lại ngành, trường thì đây là cơ hội để thí sinh điều chỉnh cho phù hợp", Tiến sĩ Duy cho biết trên Thanh Niên.

Trong trường hợp một số thí sinh đã đậu đại học bằng các phương thức như xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực nhưng chưa đúng nguyện vọng, các chuyên gia khuyên thí sinh nên cân nhắc thật kỹ về việc có nên xác nhận nhập học hay chờ xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. "Vì nếu điểm thi không quá cao mà các em vẫn quyết định từ bỏ việc trúng tuyển bằng các phương thức khác để mạo hiểm bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, thì rất có thể bạn vuột mất tấm vé vào ĐH", thạc sĩ Trần Minh Tuấn khuyên.

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.