Các thí sinh từ Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La đang giữ nhiều vị trí cao trên bảng xếp hạng điểm trúng tuyển cũng như số lượng vào các trường an ninh, quân sự. Tuy nhiên các địa phương trên có số lượng thí sinh khiêm tốn vào ĐH Bách khoa Hà Nội.
PGS. Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trong số 29 địa phương có số thí sinh trúng tuyển vào ĐH Bách khoa nhiều nhất (từ 6 thí sinh trở lên) những tỉnh như Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Hoà Bình đều nằm trong top cuối.
Trong tổng số 48 địa phương có thí sinh trúng tuyển vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay, đứng đầu là Hà Nội với 1738 thí sinh. Tiếp sau đó là Thanh Hoá, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An... hai tỉnh thuộc khu vực xa nhất ở Tây Nguyên cũng có thí sinh trúng tuyển là Đắk Lắk với 10 thí sinh và Gia Lai là 6 thí sinh.
Số thí sinh trúng tuyển chỉ từ chưa đầy 50 trở xuống là Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang...Trong đó Hà Giang có 12 thí sinh trúng tuyển Bách khoa Hà Nội, Sơn La là 21, Lạng Sơn là 23 và Hoà Bình với 34 thí sinh.
ĐH Bách khoa nổi tiếng với cơ chế đào thải, với mỗi năm học trung bình 700 sinh viên buộc phải thôi học. Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng từng cho rằng, những thí sinh gian lận thi cử thường sẽ không chọn những trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, bởi áp lực học tập lớn, dễ bị đuổi học nếu không đạt yêu cầu của nhà trường.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu phó đại học Y Hà Nội cho hay: “Những thí sinh gian lận để đỗ vào trường đại học Y Hà Nội sẽ không có cơ hội học để ra trường cho dù không bị phát hiện gian lận. Học ở trường Y Hà Nội rất khó, những kỳ thi nếu như không phải là người giỏi sẽ rất khó để trụ lại”.
Đặng Thủy-Đào Nhung