Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 với không ít những bê bối về sửa điểm thi bị phát hiện ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Mới đây, các thủ khoa của những trường như học viện An ninh Nhân dân, học viện Cảnh sát Nhân dân, học viện Kỹ thuật Quân sự lại đến từ Hòa Bình, Sơn La, khiến dư luận xã hội một lần nữa xôn xao.
Nhiều ý kiến chỉ trích, thậm chí miệt thị với học sinh của các địa phương xuất hiện trên mạng xã hội. Trong khi thực tế chưa có kết luận rõ ràng là em nào gian lận trong kỳ thi vừa qua.
Đánh giá về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Rõ ràng việc này không chỉ ảnh hưởng đến các học sinh học thật thi thật tại các tỉnh thành như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình mà còn ảnh hưởng trầm trọng đến niềm tin của tất cả chúng ta.
Khi đón nhận các em sinh viên từ các tỉnh có tiêu cực, giảng viên không tránh khỏi cảm giác e dè. Đôi khi bạn bè trong lớp có thể có những hành động gây tổn thương cho các em”.
Đánh giá về những ảnh hưởng tâm lý với các em học thật, thi thật, cô Hương cho biết: “Theo tôi, việc đầu tiên các em gặp phải sẽ là cảm giác mệt mỏi. Không được bày tỏ thái độ vui mừng vì đã đỗ ĐH, các em thậm chí còn muốn giấu đi để khỏi phải nhìn thấy thái độ kỳ thị, xì xào của người xung quanh.
Tiếp theo là thái độ kỳ thị khi các em đến nhập học. Những lời ra tiếng vào của bạn bè sẽ khiến các em tự ti, khó chịu vì thực tế có thể các em bị oan ức”.
"Trước hết, các em cần xác định rõ ràng đây không phải là việc do các em gây ra. Vì thế, các em hãy chứng tỏ điều ngược lại cho những bạn bè và thầy cô để họ có thể thay đổi suy nghĩ về mình.
Điều này không kéo dài lâu nếu các em thật sự xứng đáng. Còn nếu các em chưa thực sự vững vàng, học hành kém đi, sự kỳ thị sẽ theo đuổi mãi. Nếu các em không vững vàng có thể có các hành động tiêu cực”, cô Hương khuyến cáo.
"Đối với dư luận xã hội, theo tôi, việc cần làm là nên chấm dứt những xì xào, có ánh mắt kỳ thị. Đôi khi chúng ta không biết hết được mọi vấn đề. Hoàn toàn có thể chúng ta sẽ là tác nhân gây ra một hành động tiêu cực của ai đó.
Ngoài ra, chúng ta cần đánh giá con người thông qua các hoạt động học tập và các công việc họ thực hiện... để từ đó có cái nhìn chính xác về một người”, vị TS bày tỏ.
Đồng quan điểm với TS. Vũ Thu Hương, ThS Nguyễn Ngọc Dung, trung tâm Chẩn đoán và phát triển tinh thần Khởi nguồn cho biết: "Bản thân các em ở vùng sâu, vùng xa ban đầu đến với những thành phố lớn đã ít nhiều cảm thấy tự ti so với các bạn. Thêm vào đó, những kỳ thị như hiện nay về nghi vấn gian lận điểm thi sẽ làm các em càng thêm tổn thương".
"Trong môi trường ĐH, các em cần hòa đồng, gạt bỏ những kỳ thị. Các em không thể đứng lên vận động hay nói lớn là tôi giỏi. Việc thể hiện tốt nhất là các em cần hòa đồng, với khả năng ứng xử, nỗ lực học tập để khẳng định trình độ của mình cho mọi người nhìn nhận. Đây cũng chính là những điều mọi sinh viên cần làm để tạo bước thành công trong học tập và cuộc sống", ông Dung khuyến cáo.
Đào Nhung