Phụ huynh chật vật tìm trường cho con
Rạng sáng 5/7, rất đông phụ huynh đã có mặt và vây kín cổng Trường THPT Hoàng Cầu (quận Đống Đa) với mong muốn giành được một suất nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con. Được biết, nhiều người trong số họ đã có mặt ở đây từ lúc 19h tối 4/7, mang theo ghế nhựa và nước uống ngồi xuyên đêm xếp chỗ chờ trời sáng. 10h50 sáng 5/7, khu vực cổng Trường THPT Hoàng Cầu vẫn là đông kín phụ huynh xếp hàng ngồi chờ. Để giải tỏa áp lực cho phụ huynh, thay vì sẽ nhận hồ sơ bằng với chỉ tiêu nhà trường, năm nay Ban Giám hiệu Trường THPT Hoàng Cầu đã tiếp nhận hết hồ sơ cho phụ huynh đến nộp sau đó mới xét tuyển. Việc xét tuyển sẽ được nhà trường thực hiện theo nguyên tắc lấy từ cao xuống thấp cho đủ chỉ tiêu.
Không chỉ tại Trường THPT Hoàng Cầu, cảnh tượng xếp hàng xuyên đêm còn xảy ra với Trường THPT Tạ Quang Bửu, Trường THPT Phan Huy Chú, Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh...
Chị Lê Minh Loan (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết sáng 5/7, hai mẹ con chị đến Trường THCS & THPT Tạ Quang Bửu nộp hồ sơ. Song, may mắn chưa mỉm cười với chị và con.
“Xếp hàng vài tiếng đồng nhưng vẫn chẳng có ai đọc tên mời vào. Phụ huynh nào đứng đợi từ đêm thì hồ sơ yên vị trong đó rồi. Còn ai chậm chân như tôi không có một cơ hội nào cả”, chị Loan buồn bã chia sẻ với báo Lao Động.
Ngồi bên ngoài cổng trường, chị Loan tự trấn tĩnh bản thân, có lẽ, sẽ phải nghĩ đến việc cho con học ở trường dân lập ít tiếng tăm hơn hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Anh Tạ Ngọc Sơn (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng rơi vào trạng thái bần thần suốt từ hôm biết điểm của con. Nỗi buồn điểm số chưa qua nay lại phải đối diện với áp lực xin cho con học trường tư.
“Tôi được phụ huynh đi trước giới thiệu cho con học ở Trường THCS & THPT Tạ Quang Bửu. Tuy nhiên, mọi người khuyến cáo, nếu muốn có suất phải đến sớm. Vậy nên, hai vợ chồng bàn tính đi từ đêm”, anh Sơn cho biết.
Vậy mà khi đến nơi, cảnh tượng phụ huynh chen chúc, vây kín cổng trường khiến anh Sơn rất bất ngờ. Anh Sơn thầm nghĩ, có lẽ cuộc đua vào lớp 10 thực sự mới bắt đầu. “Lúc tôi đến khoảng 3h sáng. Khi đó, các phụ huynh cũng lũ lượt tới cùng. Ròng rã đứng tê chân 7 tiếng đồng hồ, tôi được cầm hồ sơ vào nộp cho con”, anh Sơn kể lại.
Cùng chung hoàn cảnh, chị Đỗ Thị Huyền, có con là học sinh một trường THCS ở quận Hoàng Mai cho biết kỳ thi vào 10 vừa qua, con chị trượt cả 2 nguyện vọng. Biết năng lực của con nên gia đình đã định hướng đăng ký trường THPT tốp giữa nhưng điểm chuẩn tăng vọt lên hơn 2 điểm, con thiếu 0,75 điểm. “Từ khi có điểm, đối chiếu điểm chuẩn năm ngoái cả bố mẹ, con cái đều khấp khởi vui vì tin là con sẽ đỗ. Ai ngờ, điểm chuẩn tăng lên, biết mình trượt, con đóng cửa phòng khóc, bỏ ăn gần 2 ngày nay”, chị Huyền chia sẻ với Tiền Phong.
Cũng theo chị Huyền, đồng hành với con suốt cả năm học, đưa đón đi học thêm vất vả hôm sớm nên cũng không tránh khỏi nỗi buồn, sự hụt hẫng nhưng thời điểm này bản thân chị cũng phải gồng lên để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn. Từ khi có điểm chuẩn, chị đã chạy đôn chạy đáo đến một số trường tư tốp 2 để hỏi điểm chuẩn dự kiến canh cửa nộp hồ sơ. “Trường ngoài công lập có chất lượng trước đó đều đã dành số lượng nhất định để tuyển sinh bằng phương thức khác nên chỉ tiêu không còn nhiều. Trường chỉ xét học bạ thì mình phải cân nhắc nhiều yếu tố, từ cơ sở vật chất, học phí, đối tượng học sinh theo học...”, phụ huynh này tâm sự.
Rào cản mang tên học phí
Vẫn biết ngoài hệ thống các trường công lập, vẫn còn lượng lớn các trường tư thục, quốc tế… nhưng không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để học trường ngoài công lập.
Các trường tư học phí có thể từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Chưa kể, trong quá trình học, học sinh sẽ phải đóng thêm chi phí quần áo, sách giáo khoa, dã ngoại, học thêm…
“Con thi trượt nguyện vọng 1 là Trường THPT Mỹ Đình và mức lương của tôi chỉ vẻn vẹn 6 triệu đồng không đủ để cho con học trường tư. Từ khi biết điểm, cả gia đình rối ren, không thiết ăn uống, không biết phải tính thế nào cho tương lai của con. Gia đình chưa muốn học nghề vì con còn có khát vọng, ước mơ khác”, anh Nguyễn Ngọc Hùng, quận Nam Từ Liêm nói.
Sau nhiều giờ đồng hồ "tranh đấu" giành suất học cho con, một phụ huynh tại Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) cũng đành phải bỏ cuộc.
"Con gái trượt nguyện vọng 1 ở Trường THPT Kim Liên nên phải nộp hồ sơ sang Trường THPT Phan Huy Chú. Mặc dù đến từ 5h sáng nhưng tôi vẫn không thể chen chân lấy phần cho con", phụ huynh than thở với báo Lao Động.
Phụ huynh này cho biết, vì gia đình không có điều kiện cho con theo học tại các trường tư, đồng thời cũng rất e ngại nếu gửi con vào các trường dân lập nên sẽ gửi con về quê học.
"Học phí các trường tư thục tại Hà Nội quá đắt đỏ, gia đình tôi không kham nổi. Với các trường hệ dân lập hay các trung tâm giáo dục thường xuyên, tôi lo lắng môi trường học tập không đảm bảo, con sẽ bị sa sút nên suy đi tính lại thì gửi con về quê học cho ông bà là phương án tốt nhất", phụ huynh này phân trần.
Còn anh Nguyễn Hoàng Tuấn (quận Đống Đa) cho biết, với 42,75 điểm, con gái anh có thể đỗ vào khá nhiều trường tư có tiếng, trường công lập tự chủ tài chính ở Hà Nội. Gia đình đã cân nhắc nên nộp hồ sơ vào Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (trường công lập tự chủ tài chính, điểm chuẩn 41 điểm) hay Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, điểm chuẩn 38,5).
Thế nhưng, sau khi tham khảo, anh Tuấn được biết mức học phí của Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa vượt quá khả năng tài chính của gia đình anh và Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu còn cao hơn thế.
“Hai ngày nay, vợ chồng tôi đau đầu tìm trường tư vừa phù hợp tiêu chí của gia đình vừa phải thuận tiện đường đi. Quan trọng hơn, học phí phải “dễ thở” vì vậy đây là một bài toán quá khó.
Đúng là trường tư có cơ sở vật chất tốt nhưng đổi lại học phí và nhiều khoản phí phát sinh khác rất cao. Đa số trường tư hiện nay cũng 7-10 triệu/tháng, với thu nhập bình thường không có khả năng cho con theo học, gia đình tôi là một ví dụ. Bên cạnh đó, nếu chọn trường tư quá xa, con đi học khó khăn, đi xe tuyến của trường lại phát sinh thêm một khoản nữa", anh Tuấn tâm sự.
Chia sẻ với VietNamNet, một phụ huynh có con học tại trường THPT dân lập Văn Lang (Hà Nội) cho biết, năm ngoái anh nhẩm tính cộng các khoản phải đóng đầu năm cho học kỳ 1 lên đến 4,5 triệu đồng (chưa tính bảo bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể toàn diện).
Theo thông tin từ phụ huynh này, các khoản thu đầu kỳ 1 năm nay được chia nhỏ ở các mục khác nhau như: Phí phát triển trường hàng kỳ (2,5 triệu đồng); quỹ phụ huynh trường (200.000 đồng); tiền điện, nước uống tinh khiết (300.000 đồng); quỹ phụ huynh lớp (một triệu đồng)…
Phí phát triển trường hàng kỳ được chia nhỏ nhiều mục khác nhau bao gồm: Tiền hỗ trợ cơ sở vật chất nhà trường, hỗ trợ vệ sinh, an ninh khuôn viên trường “xanh-sạch-đẹp” (1,5 triệu đồng/học sinh/học kỳ); hỗ trợ học phẩm, học liệu thí nghiệm, điều hòa, máy chiếu, photo in ấn các tài liệu và đề thi chung của trường (500.000 đồng/học sinh/học kỳ); hỗ trợ hoạt động đoàn - đội, hoạt động ngoại khóa, hoạt động chung toàn trường (500.000 đồng/học sinh/học kỳ)
Cùng với đó, phí trông giữ xe học sinh phải nộp nếu đi xe máy sẽ là 500.000 đồng/em/học kỳ và 350.000 đồng/học sinh/học kỳ với xe đạp. Bên cạnh đó, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể toàn diện nằm trong khoản nhà trường thu hộ cũng được liệt kê.
Phụ huynh này chia sẻ khi con học trường dân lập (vì cháu thi lớp 10 không đậu trường công), gia đình đã xác định phải đóng học phí nhiều hơn, nhưng không hình dung ra nhiều khoản như vậy: "Tính trung bình một năm học (10 tháng), ngoài tiền học phí cố định hàng tháng, mỗi học sinh sẽ phải đóng thêm khoảng 10 triệu đồng cho các khoản như thông báo. Với chi phí này khiến không ít gia đình “méo mặt”...".
Liên quan đến vấn đề này, tại buổi chất vấn HĐND TP Hà Nội chiều 5/7, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT, nói rằng, tình trạng phụ huynh xếp hàng giữ chỗ diễn ra ở một số trường ngoài công lập, trường tự chủ tài chính mà nguyên nhân là nhu cầu của phụ huynh cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh cộng thêm hiệu ứng lo lắng lan tỏa. Ông Cương cũng khẳng định Hà Nội không thiếu chỗ học.
Tuy nhiên phải thấy rằng, do tình trạng dân số cơ học tăng nhanh, phân bố không đều; nhiều khu đô thị, khu công nghiệp được tiếp tục xây mới, gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học cục bộ.
Dù ngành giáo dục Hà Nội khẳng định, cơ sở vật chất các trường THPT công lập đáp ứng được 60% nhu cầu của học sinh nhưng đó là con số tính trung bình cho toàn thành phố. Trong khi các quận nội thành, số lượng trường THPT công lập rất ít nên gây áp lực lớn cho học sinh.
Đã thế theo nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương: "Thủ đô không thiếu trường học" nhưng vấn đề là rất nhiều gia đình lại thiếu tiền nếu con học trường tư.
Quả thật, không phải gia đình nào cũng có sức để chi trả mức học phí 3-8 triệu đồng/tháng cho con em học ở các trường tư. Chia sẻ với Sức khỏe & Đời sống, đại diện Ban tuyển sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu cũng cho biết, chiều 5/7 vẫn còn tuyển sinh dù số lượng không nhiều. "Riêng tuyển sinh đợt này (xét điểm thi vào 10 của Sở GDĐT Hà Nội và học bạ THCS), Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu không gặp khó khăn, trường vẫn lấy điểm như mọi năm (khoảng 8 điểm mỗi môn trở lên). Nhiều bậc cha mẹ cũng bày tỏ mong muốn con học tại trường nhưng học phí cũng là vấn đề họ đặt lên bàn cân trước mặc dù rất thích chương trình học và rất thích trường".
M.H (t/h)