Với sự bão hòa của khối ngành kinh tế như hiện nay, nhiều thí sinh đang tỏ ra hoang mang trước việc chọn ngành học, thí sinh Nguyễn Hữu Sơn lớp 12A9 trường THPT Can Lộc - Hà Tĩnh cho biết, đây là thời điểm quan trọng để em chọn cho mình một ngành học có tương lai, nhưng quả thực đến giờ em vẫn chưa thể quyết định được, gia đình anh chị không có ai hiểu biết về xã hội nhiều nên em hầu như phải tự quyết định tương lai cho mình.
Cùng chung tâm trạng lo lắng, em Đặng Thị Thảo- THPT Đống Đa- Hà Nội cho rằng: Trở thành một kiểm toán viên là ước mơ của em từ rất lâu, nhưng trước tình trạng ế ẩm của ngành này hiện nay khiến em không đủ dũng cảm để đăng ký thi. Nếu cứ "cố đấm ăn xôi", thì liệu 4 năm sau có rơi vào tình cảnh thất nghiệp không?
Tuy nhiên, cũng có một số TS vẫn "le lói" chút ít hy vọng của những ngành học này trong tương lai. "Trong lớp em có rất nhiều bạn thích thi vào các trường thuộc khối kinh tế, quản trị, dù đã được dự báo nhu cầu nhân lực ngành này đã bão hòa. Tuy nhiên, dù mong manh, chúng em lại kỳ vọng sau 4 năm mọi chuyện sẽ khác", đó là suy nghĩ của nhiều thí sinh.
Em Nguyễn Minh Tiến, một học sinh lớp 12 ở Can Lộc, Hà Tĩnh cho rằng, lúc đầu em định chọn thi vào đại học Kinh tế, hoặc Ngoại Thương nhưng trước tình hình hiện tại em lại phải tính đến việc lựa chọn khác chắc chắn hơn đó là thi vào trường Lục Quân.
Nếu đỗ vào Lục Quân em sẽ không lo lắng việc làm sau này, mà trong quá trình học cũng đỡ tốn kém cho gia đình - Tiến nói.
Về những TS thích sư phạm, ông Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Xã hội vẫn rất cần những sinh viên giỏi, yêu nghề, đam mê, nhiệt huyết với nghề. Do vậy TS cũng không nên cực đoan hóa trong việc chọn ngành, chọn nghề, nếu thực sự có đam mê và năng khiếu.
Một số chuyên gia về nguồn nhân lực cho rằng, khi chọn ngành, chọn trường các bậc cha mẹ và TS nên chú ý tới năng khiếu của con em mình, vì năng khiếu là tối quan trọng cho sự phát triển của mỗi người trong tương lai.
- Ông Trần Anh Tuấn- phó giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh đưa ra lời khuyên: Những năm qua, lượng thí sinh thi vào nhóm ngành kinh tế là rất lớn. Nhưng nhóm ngành này vừa được Bộ GD-ĐT khuyến cáo thí sinh hạn chế thi và kiểm soát các trường không mở mới các nhóm ngành này. Nhưng đó là giai đoạn hiện nay, còn 4-5 năm nữa, kinh tế hồi phục, nhu cầu lao động có thể cao. Các em cần lựa chọn các trường đào tạo có uy tín để học nếu đam mê vì cơ hội việc làm, điều kiện phát triển năng lực còn rất lớn". - Kỳ tuyển sinh 2013 sẽ có 132 trường không tổ chức thi tuyển, giảm 9 trường so với năm 2012. Ngày 11-3-2013, Bộ GD-ĐT đã chính thức phát hành cuốn sách "Những điều cần biết về tuyển sinh 2013". Theo đó, trong cuốn sách cũng thông tin trong mùa tuyển sinh 2013 sẽ có 132 trường ĐH, CĐ không tổ chức thi như Học Viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đại học FPT, ĐH Lao động, Xã hội... |
N. An