Thông tin từ bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, đơn vị phẫu thuật cho thí sinh này cho biết, bệnh nhân nhập viện lúc 22h40 ngày 23/6. Kết quả xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị u nang buồng trứng phải xoắn kèm viêm ruột thừa cấp.
“Sau ca mổ, cha mẹ thí sinh xin cho thí sinh được đến trường tham dự kỳ thi. Bệnh viện đã nỗ lực điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất và cử đội ngũ nhân viên y tế tháp tùng bệnh nhân đến tận phòng thi để đảm bảo an toàn”, đại diện bệnh viện cho biết.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đơn vị bệnh viện này không có trong danh sách cán bộ tổ chức thi, nên việc nhân viên y tế đưa nhân viên lên tận phòng thi, xe cấp cứu dựng trong điểm thi là không đúng quy chế.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, đại diện cụm thi TP.HCM khẳng định: “Qua báo cáo cho thấy, xe cấp cứu dừng ở bên ngoài khu vực tổ chức thi. Và khi nhân viên y tế của bệnh viện đưa thí sinh lên phòng thi, cán bộ Trưởng điểm thi này cũng yêu cầu lực lượng công an và thanh tra, giám sát đi cùng nên vẫn tuân thủ quy chế”.
Theo thống kê, trước khi diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia 2019, cụm thi TP.HCM có hơn 71.000 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó có 62.620 thí sinh là học sinh các trường THPT, 8.420 thí sinh là học viên trung tâm giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do.
“Từ 5h30, các xe vận chuyển đề thi do công an hộ tống đã đến 111 điểm thi trên địa bàn TP.HCM. Nơi nhận đề thi trễ nhất là huyện Củ Chi. Còn tại huyện Cần Giờ, mặc dù giao thông không thuận lợi, nhưng đề thi vẫn được vận chuyển đến đúng giờ”, ông Nguyễn Văn Hiếu trình bày.
Tuy nhiên, vào buổi sáng thi môn Văn, chỉ có 69.006 thí sinh tham gia dự thi, chiếm tỉ lệ 99,44%. Số thí sinh vắng là 387. Còn buổi chiều thi môn Toán, có 70.722 thí sinh đăng ký dự thi nhưng có đến 543 thí sinh không đi thi. Cụm thi TP.HCM cũng ghi nhận tình hình thuận lợi, ổn định trong ngày thi đầu tiên, không có thí sinh đi trễ hay vi phạm quy chế thi.