Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 sẽ diễn ra từ ngày 7-8/7 tới. Kỳ thi sẽ gồm 5 bài thi, trong đó 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân) đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT.
Nhiều người cho rằng trong tất cả các môn, Địa lý được coi là môn "dễ thở" nhất. Tuy nhiên, với hình thức thi trắc nghiệm, nếu thí sinh không nắm chắc kiến thức, cách làm bài sẽ rất khó để có thể đạt được điểm cao.
Trao đổi với Dân Việt, cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên Địa lý, Trường THPT Văn Lang, quận Đống Đa, Hà Nội đã chia sẻ một số lưu ý khi làm bài thi tổ hợp, phân môn Địa lí như sau:
Các câu hỏi về kỹ năng Atlat nên làm trước. Với những câu hỏi về kỹ năng này khi đọc đề bài cần mở đúng trang Atlat, xem ký hiệu trong trang, nếu không có cần xem ở trang 3 – ký hiệu chung. Nếu trong trang khó xác định một địa điểm nào đó, có thể dùng thêm trang Atlat khác để xác định. Ví dụ như trang 4, 5 - hành chính, trang 17 - các vùng kinh tế…
Các câu xử lý số liệu: Cần gạch chân để phân biệt các cụm từ so sánh nhanh hơn - chậm hơn, nhiều hơn - ít hơn để dùng phép tính toán cho đúng. Có một số câu hỏi khi không nhớ công thức tính toán có thể mở Atlat để xem đơn vị, từ đó tìm ra công thức. Ví dụ công thức tính mật độ dân số có thể mở Atlat trang 15 sẽ thấy được đơn vị là người/km2. Vậy muốn tính mật độ dân số chúng ta lấy số dân chia cho diện tích.
Nếu trong đề có câu hỏi cần xử lý số liệu với nhiều phép tính, số lần tính nhiều, hãy làm sau để không bị mất thời gian tính toán và tránh bị rối.
Các câu hỏi về biểu đồ, khi đọc đề bài cần gạch chân cụm từ khóa "sự thay đổi cơ cấu", "quy mô và cơ cấu", "tốc độ tăng trưởng" hoặc chú ý về đơn vị trong bảng số liệu khi nhận dạng biểu đồ cho thích hợp. Về nội dung thể hiện của biểu đồ, chúng ta cần làm theo cách trên, bởi mỗi biểu đồ sẽ có nội dung thể hiện đặc trưng.
Các câu lý thuyết, hãy đọc lần lượt, câu nào tìm được đáp án thì khoanh nháp vào đề, câu nào còn lăn tăn, hãy lướt qua và trả lời câu khác. Khi đã làm hết các câu dễ, chúng ta mới tiến hành làm các câu còn lại.
Chú ý đọc kỹ đề bài, tìm từ khóa để khoanh đáp án cho chính xác. Một số câu hỏi có thể sử dụng Atlat để xem nội dung, từ đó tìm ra đáp án đúng. Vì vậy các em hãy tận dụng cuốn Atlat triệt để.
Cùng chia sẻ về kỹ năng làm bài thi môn Địa lý, cô Nguyễn Thị Hưng, giáo viên môn Địa lý Trường THPT Kiến An (Hải Phòng) lưu ý thêm, các câu hỏi cho phép học sinh sử dụng Atlat là những câu dễ ăn điểm nhưng cũng rất dễ mất điểm. Chẳng hạn, ở một số trang có ký hiệu nhỏ, các em học sinh khó tìm ra, hoặc không đọc kỹ đề làm vội vàng dẫn đến việc mất điểm oan ở phần này. Do đó, học sinh cần đặc biệt lưu các kỹ năng làm bài sử dụng Atlat.
"Tất cả các câu hỏi đều có số điểm bằng nhau nên các em không được chủ quan ở những câu dễ. Mất điểm tại những câu dễ sẽ khiến các em mất đi cơ hội có được điểm cao. Bên cạnh đó, các em phải rèn luyện các công thức để khi áp dụng làm những câu tính toán chuẩn xác, nhanh nhất.
Ngoài ra, trong quá trình làm bài cần làm những câu dễ trước, câu khó sau, phân bổ thời gian hợp lý và phải có thời gian để xem lại bài làm của mình", cô Hưng chia sẻ trên Lao Động.
Theo cô Hưng, một nguyên tắc quan trọng trong quá trình làm bài là không được sai các câu dễ, những câu gần như là cho điểm. Học sinh cần ôn luyện nhiều những câu vận dụng cao, mang tính suy luận nếu muốn đạt điểm tối đa ở môn thi này.
Với các em xét tuyển theo khối D10, D15, D19, D20,...việc ôn luyện để đạt điểm cao môn Địa lý sẽ mang cho các em rất nhiều lợi thế, kéo lên tổng điểm xét tuyển của các em.
“Học sinh cần biết phân hóa đề thi, có mục tiêu rõ ràng để ôn luyện hoàn thành mục tiêu đặt ra. Khi đi thi cần đọc kỹ đề bài và hãy thật bình tĩnh, tự tin, vận dụng những kiến thức đã học, ôn luyện để hoàn thành bài thi thật tốt”, cô Hưng nhắn nhủ tới các sĩ tử sắp bước vào kỳ thi.
Minh Hoa (t/h)