Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đã khép lại, tuy nhiên dư âm của nó vẫn còn khá đậm trong xã hội. Đặc biệt, câu hỏi ở phần đọc hiểu từ “thấu cảm” trong đề thi Ngữ văn của kỳ thi THPT Quốc gia đã thu hút nhiều ý kiến.
Nhiều ý kiến đặt câu hỏi, bộ GD&ĐT đưa ra một “barem” tính điểm với phần đọc hiểu về "thấu cảm" như đáp án đã công bố liệu có chính xác?
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt, trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội đưa ý kiến cá nhân về vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm.
PV: Là một chuyên gia nhiều năm giảng dạy về ngôn ngữ văn học, ông có suy nghĩ gì về đề thi Ngữ văn, phần đọc hiểu "thấu cảm" trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017 vừa qua?
PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt: Nhìn tổng quát có thể nhận xét, người ra đề thi môn Ngữ văn năm nay còn lệ thuộc quá nhiều vào văn bản có sẵn, chưa có sự chuẩn bị cần thiết để tiếp cận văn bản. Đặc biệt, còn thiếu các tri thức cơ bản để nhận biết tính chuẩn mực và phi chuẩn mực của văn phong khoa học. Đây là điều cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong kỳ thi tới.
PV: Có nghĩa là, ông có những suy nghĩ khác với quan điểm của bộ GD&ĐT cho rằng, đề thi Ngữ văn với phần đọc hiểu thấu cảm là “không có gì sai”? Ông có thể nói cụ thể hơn?
PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt: Trong đề thi có từ “thấu cảm” gây ra nhiều tranh cãi. Theo tôi, cách giải thích từ “thấu cảm” của tác giả bài viết rất khó được chấp nhận. Bởi vì, đây là một từ ghép, nếu hiểu theo cách của tác giả “thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét” thì có sự bất hợp lý.
Vì rằng, “thấu” là hiểu biết sâu sắc đến tận bên trong bản thân sự vật, hiện tượng, nói cách khác là hiểu rõ bản chất của sự vật, hiện tượng. Sự hiểu biết này thuộc về nhận thức lý tính. Còn “cảm” là nhận thức ở mức độ thấp hơn - nhận thức bằng cảm tính. Nếu ghép theo cách của tác giả thì rõ ràng có sự không logic trong kết hợp ngữ nghĩa. Bản thân từ tố “thấu” trong từ ghép này đã chứa đựng nghĩa của “cảm” rồi (không “cảm” thì không “thấu” được).
Như vậy, giải thích cho đúng thì “thấu cảm” phải là “hiểu thấu” và “cảm thông” mới đúng bản chất ngữ nghĩa của nó.
PV: Trong đề thi có dẫn đoạn trích và câu hỏi: “Theo tác giả, thấu cảm là gì”. Có ý kiến cho rằng, đây là cách đặt vấn đề dễ gây hiểu nhầm cho thí sinh. Cá nhân ông đánh giá thế nào về cách đặt vấn đề như vậy trong một đề thi cấp Quốc gia?
PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt: Coi “thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó” như tác giả là cách nói thiếu chuẩn xác. Một người có thể có nhiều suy nghĩ, hành động khác nhau. Để hiểu trọn vẹn một ai đó không phải chuyện dễ. “Thấu cảm” có thể dùng để diễn tả một khía cạnh nào đó của tâm lý. Chẳng hạn, một người phụ nữ bị chồng đánh, chị ta không dám chống lại, chỉ ôm mặt khóc. Người hàng xóm nói: “Tôi rất thấu cảm hoàn cảnh của chị ấy”. Nhưng để hiểu trọn vẹn chị ấy lại là một câu chuyện khác.
Câu “Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm” là một câu thiếu chuẩn mực. Bởi vì “tâm trí” và “tâm hồn” là thể trừu tượng, nên không ai “đọc” được, ngay cả việc dùng từ “đọc” với nghĩa là “hiểu”. Với nghĩa này, người ta cũng chỉ có thể nói “ tôi đọc được suy nghĩ của anh” mà thôi.
Câu “Thấu cảm khiến ta hồi hộp khi quan sát một người đang đi trên dây ở trên cao...” là một câu sai (về kết hợp ngữ nghĩa). Sự hồi hộp đâu phải do “thấu cảm” (hiểu trọn vẹn người đi trên dây như cách giải thích trong bài) mà chỉ là do quan sát và cảm nhận qua các giác quan: Cảm nhận thấy sự nguy hiểm của người đi trên dây. Như vậy, có thể thấy việc chọn một đoạn văn thiếu chuẩn mực, tối nghĩa làm đề thi đã thể hiện sự vội vàng của người ra đề. Khi đọc những câu văn như đã dẫn, học sinh sao tránh được hoang mang? Mặt khác, việc giải thích các khái niệm trong bài lại có nhiều chỗ chưa ổn sẽ làm cho học sinh hoang mang hơn nữa!
PV: Với cách ra đề như vậy, một “barem” tính điểm dành cho phần đọc hiểu về "thấu cảm" có chuẩn xác và công bằng? Cá nhân ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?
PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt: Tôi cho rằng, với loại đề như trên - đọc hiểu về "thấu cảm", việc chấm thi tất sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu đáp án được xây dựng dựa trên ý tưởng của tác giả bài viết sẽ khó đạt được tính khách quan khoa học.
Trong tình hình hiện nay, bên cạnh các học sinh trung bình, yếu kém, cũng có không ít học sinh có khả năng nổi trội. Bài làm của các em trong nhóm này chắc chắn sẽ có nhiều điểm khác với đáp án - nhất là đáp án phần đọc hiểu về "thấu cảm".
Liệu các em có được người chấm thi đánh giá đúng mức không - khi đưa ra những trả lời sáng tạo về "thấu cảm"? Đó là một câu hỏi chỉ có thể được trả lời qua các bài viết và điểm số thực tế của học sinh!
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu (thực hiện)