Thi THPT Quốc gia 2017: Mất cả đống tiền, khó tìm học trò trượt

Thi THPT Quốc gia 2017: Mất cả đống tiền, khó tìm học trò trượt

Nguyễn Thị Thu Thảo

Nguyễn Thị Thu Thảo

Thứ 6, 14/07/2017 05:54

Tỉ lệ tốt nghiệp ở nhiều tỉnh thành cao ngất ngưởng, trên 90%, 99% thậm chí 100%. Với tính chất một kỳ thi Quốc gia, tốn nhiều tiền của nhưng khó thấy học sinh trượt thì có nên tổ chức?

Tỉ lệ tốt nghiệp (TN) THPT năm 2017 được nhiều địa phương công bố. Theo đó, Bình Dương (99,83%), Nam Định (99,53%), Bến Tre (99,06%) Phú Thọ (99,1%), Vĩnh Phúc (98,8%), Nghệ An (98,25%)… Các tỉnh miền núi, khó khăn như Cao Bằng, Quảng Trị, Kon Tum, Đắk Nông… cũng đỗ TN trên 91%.

Số liệu trên cho thấy, tỉ lệ TN giữa các địa phương có điều kiện (Bình Dương, Vĩnh Phúc...), hoặc có truyền thống hiếu học (Nam Định, Nghệ An…) với các tỉnh còn nhiều khó khăn không có khoảng cách quá lớn, được rút ngắn hằng năm.

Nhìn vào kết quả đó, ta thấy được số học sinh đỗ TN càng cao đồng nghĩa với tỉ lệ trượt càng thấp, nếu không muốn nói là khó có em nào không vượt qua được. Mặt khác, kỳ thi TN THPT Quốc gia năm nay còn ấn tượng hơn bởi “mưa” điểm 10, với gần 4.200 bài thi đạt điểm 10 ở tất cả các môn và nhiều nhất là môn Hóa học (1.490 bài), tiếng Anh (983 bài)…

Cafe8 - Thi THPT Quốc gia 2017: Mất cả đống tiền, khó tìm học trò trượt

 Kết quả phân tích phổ điểm thi THPT Quốc gia 2017. (Ảnh: Bnews)

Tỉ lệ đậu TN cao có thể đến từ nhiều nguyên nhân, trước tiên, trong đề thi có câu hỏi dành cho học sinh trung bình, chỉ muốn xét tuyển TN nên phù hợp với khả năng của các em. Thứ hai, các em được ôn tập tốt, nghiêm túc bám sát nội dung của bộ GD&ĐT yêu cầu. Thứ ba, công tác thi năm nay nhẹ nhàng, được tổ chức tại nhiều điểm trường mà các em theo học nên tạo tâm lý thoải mái hơn khi làm bài. Thứ tư, cách tính điểm xét TN tạo nhiều điều kiện để học sinh có thể đỗ.

Qua những nguyên nhân và con số trên đây, bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi này có xem là lãng phí? Hoặc nên giao về các sở GD&ĐT tự tổ chức kiểm tra, đánh giá và công nhận như đang thực hiện đối với học sinh lớp 9? Bằng cách ra đề kiểm tra cuối mỗi học kỳ để các em làm, sau đó xét TN.

Nếu học sinh nào có điểm trung bình các môn cả năm được 5,0; một trong hai môn Văn, Toán từ 5,0 trở lên; các môn văn hóa còn lại không có môn nào dưới 3,5 và các môn đánh giá bằng nhận xét chỉ cần “đạt” là các em được công nhận TN. Như vậy vừa nhẹ nhàng cho học sinh lại đỡ tốn kém cho ngân sách Nhà nước.

Còn bộ chỉ nên tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ sau khi các em được công nhận TN THPT. Bởi tính chất của 2 kỳ thi là khác nhau. Một bên xét công nhận TN, còn tuyển sinh ĐH, CĐ là chọn lọc, phải có sự sàng lọc, lựa chọn người đạt yêu cầu mới vào được ghế giảng đường.

Khi đó, học sinh sẽ liệu sức mình có nên thi vào ĐH, CĐ hay học nghề, trung cấp… Làm được như vậy cũng là cách phân loại học sinh hiệu quả chứ không như cách phân luồng nửa vời hiện nay.

Không chỉ vậy, với cách tổ chức thi năm nay, người dân ít nhiều có quyền nghi ngờ về tính chính xác, trung thực của kỳ thi này. Nhất là điểm để các em xét tuyển vào ĐH, CĐ. Cụ thể, năm 2016, Bộ giao các trường ĐH, CĐ tổ chức thi với mục đích “2 trong 1”, vừa xét TN THPT, vừa dùng kết quả thi này để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Còn những học sinh chỉ xét TN sẽ thi tại các điểm do sở GD&ĐT chủ trì. Những điểm thi do trường ĐH, CĐ tổ chức sẽ có tính khách quan, thực chất về kết quả thi hơn.

Nhưng năm nay, bộ GD&ĐT có sự thay đổi về hình thức thi, bằng cách giao cho các địa phương chủ động tổ chức còn các trường ĐH, CĐ chỉ làm công tác thanh tra, giám sát. Dù quy trình tổ chức kỳ thi chặt chẽ, đúng quy chế về công tác coi thi, chấm thi… nhưng kết quả thi liệu có trung thực?

Bởi quy trình, quy chế chỉ là lý thuyết do con người đặt ra. Còn vận dụng, thực hiện nó lại khác. Khi mà các địa phương đều muốn được “bằng bạn bằng bè” về tỉ lệ đỗ TN hoặc không được thấp hơn quá nhiều.

Các trường ĐH, CĐ làm công tác thanh tra, giám sát nhưng có theo dõi tất cả “nhất cử nhất động” của học sinh, giáo viên coi thi trong phòng? Hay khi có thanh tra đi qua, mọi việc diễn ra đúng quy chế. Còn thanh tra qua khỏi thì học sinh liệu sẽ làm bài nghiêm túc mà không trao đổi, hỏi bài lẫn nhau?

Chưa kể, tâm lý thầy cô giáo lúc chấm thi vì muốn học trò được đỗ TN (thương các em 12 năm đèn sách) nên sẽ châm chước nhưng không quá lộ, để khỏi bị thanh tra phát hiện, bằng cách thống nhất với nhau trước khi chấm.

Dù là kỳ thi nào đi chăng nữa, ngoài mục đích kiểm tra, đánh giá việc nắm kiến thức đã học còn là sự sàng lọc học sinh. Nhưng với tình hình có thi là có đỗ thì mục đích trên có đạt được? Những số điểm đẹp đẽ sẽ được nhiều học sinh dùng để xét tuyển vào ĐH, CĐ có đúng thực chất?

Một kỳ thi mang tính Quốc gia, được người dân cả nước quan tâm, tốn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng cho công tác thi (chi phí cho công tác làm đề, in sao đề, cán bộ coi thi, chấm thi, thanh tra…) nhưng cuối cùng, gần như học sinh nào cũng đỗ, rất ít trượt thì có lãng phí? Xét về tính hiệu quả thì có nên tiếp tục tổ chức vào năm sau?

 N. Anh

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.