Hiện nay đa phần học sinh đang luyện thi môn Vật lí cả chương trình lớp 11 và 12 đều mang tình trạng là đuối về phần lí thuyết. Phần này có 2 loại, một là loại câu hỏi biến đổi công thức thì hầu hết những bạn nào hiểu rõ bản chất bài tập này thì việc tìm ra đáp án sẽ không có vấn đề gì, hai là câu hỏi liên quan đến phân tích tính chất, hiện tượng vật lí. Đây là những câu hỏi thuần túy lí thuyết mà các em thường hay lúng túng, mặc dù đó là những câu hỏi không hề khó.
Để tránh những sai sót và khó khăn khi giải những câu hỏi liên quan đến kiến thức lí thuyết môn Vật lí trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, các em nên dành thời gian rà soát lại toàn bộ kiến thức liên quan đến 2 phần câu hỏi trên. Khi đã nắm vững lí thuyết ở 2 loại câu hỏi này thì các em sẽ tự tin hơn để xử lý những dạng bài tập vận dụng cao, đồng thời cũng nắm chắc 2 điểm trong đề thi.
Không chỉ với môn Vật lí mà trong tất cả các môn hầu hết học sinh hiện đều đang gặp khó khăn khi giải những câu vận dụng thực tiễn. Khó khăn ở đây không phải là kiến thức môn học khó, mà là mô tả các bài toán thực tiễn khi đưa vào môn Vật lí sẽ như thế nào, nhiều bạn không hiểu thấu đáo sẽ không mô tả được và không giải quyết được câu hỏi của đề thi. Đây cũng là một trong số dạng câu hỏi lạ, tuy nhiên không hề khó hay đánh đố thí sinh.
Khi phân tích những câu vận dụng thực tiễn học sinh nên phân tích kĩ phần lí thuyết và liên hệ ngay đến các vấn đề thực tế đời sống hàng ngày để chọn được đáp án chính xác nhất, mỗi phần học sẽ có những câu hỏi vận dụng thực tiễn khác nhau.
Ví dụ: Trong phần Sóng ánh sáng, câu hỏi: “Cầu vồng và màu sắc sặc sỡ trên bong bóng xà phòng là hiện tượng khúc xạ hay giao thoa”. Đây là câu hỏi liên quan thực tiễn và thuộc về lí thuyết, nếu học sinh nắm vững lí thuyết và liên hệ với thực tế sẽ có ngay đáp án: Cầu vồng là hiện tượng khúc xạ, còn bong bóng xà phòng là hiện tượng giao thoa.
Một ví dụ nữa trong phần Điện xoay chiều, câu hỏi về mạng điện khi bị chập hỏng tại một vị trí nào đó, người ta mắc thêm một vài điện trở vào và đo đạc được vài dữ kiện, từ dữ kiện này học sinh phải xác định chỗ bị chập hỏng là chỗ nào. Để giải bài toán, các em chỉ cần liên tưởng thực tế và vẽ được mạch điện là có thể đưa ra đáp án đúng.
Khi làm đề thi trong phòng thi, các em nên ưu tiên hoàn thành những câu hỏi có kiến thức cơ bản trước, không phân bổ thời gian nhiều cho các câu vận dụng cao để tránh được tình huống mất điểm ở các câu dễ, việc này sẽ tốt hơn rất nhiều so với mất một câu dễ mà để gỡ một câu khó.
Chúc các em ôn tập tốt và đạt được điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018!
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải - giáo viên tại Hệ thống giáo dục HOCMAI