Trong đó các bài thi Toán, KHTN, KHXH và Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan nên sẽ được chấm bằng máy và phần mềm chuyên dụng với quy trình chặt chẽ, đảm bảo an toàn, tin cậy, khách quan.
Bài thi tự luận Ngữ văn được chấm theo 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra cùng tiến độ với chấm độc lập tối thiểu 5% bài thi để kịp thời phát hiện những sai sót nhằm điều chỉnh cho chính xác và công bằng nhất đối với thí sinh.
Được biết, liên quan đến công tác chấm thi THPT, bộ GD&ĐT bố trí cán bộ chấm thi chấm lần thứ nhất và lần thứ hai ngồi ở 2 phòng khác nhau.
Ở lần chấm thứ nhất, cán bộ chấm thi sẽ bốc thăm túi bài đã được làm phách và phiếu chấm.
Khi chấm lần thứ nhất, điểm thành phần, điểm toàn bài và nhận xét (nếu có) được ghi vào phiếu chấm của từng bài. Phiếu này ghi rõ họ tên, chữ ký của cán bộ chấm thi. Cán bộ chấm sẽ ghi điểm trên phiếu cá nhân của mình.
Ở lần chấm thứ hai, sau khi rút các phiếu chấm thi cán bộ sẽ tiếp tục bốc thăm túi bài để đảm bảo không giao lại cho chính người đã chấm lần một. Ít nhất 5% số bài thi đã chấm của môn tự luận sẽ được chấm kiểm tra.
Kết thúc việc chấm thi tất cả môn, Chủ tịch Hội đồng thi sẽ duyệt kết quả thi và nộp toàn bộ dữ liệu kết quả về cục Quản lý chất lượng (bộ GD&ĐT) để lưu giữ và đối chiếu.
Theo thông tin từ bộ GD&ĐT, trong suốt quá trình chấm thi, Bộ sẽ cử các đoàn thanh tra của Bộ tới các điểm chấm thi của các tỉnh để giám sát công tác chấm thi, bảo đảm kết quả thi hoàn toàn trung thực, công bằng.
Ngoài ra, các trường ĐH cũng sẽ tham gia công tác chấm thi, cũng như các đoàn thanh tra, giám sát của Bộ đối với công tác chấm thi tại các sở giáo dục các tỉnh.
Phong Linh (tổng hợp)